Lao động nữ gặp nhiều rào cản trong tìm kiếm việc làm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng việc làm của lao động (LĐ) nữ còn thấp, tính ổn định và bền vững chưa cao là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khi nói về thực hiện bình đẳng giới (BĐG).

Nhiều bất cập

Bất BĐG thể hiện rõ nhất ở việc phân bố việc làm của lực lượng LĐ không đồng đều. LĐ khu vực không có quan hệ LĐ làm công ăn lương phần lớn là phụ nữ. Những ngành, lĩnh vực có quan hệ LĐ nhưng trình độ chuyên môn không cao (dịch vụ, dệt may, da giày), LĐ nữ chiếm 70% tổng số nhân lực. Giúp việc nhà, sản xuất sản phẩm vật chất tiêu dùng cho gia đình, LĐ nữ chiếm tới 95,84%; dịch vụ lưu trú và ăn uống, phụ nữ làm việc lên tới 67%...

Nữ công nhân may hàng phụ kiện tại Công ty May 10. Ành:  Thanh Hải

Nhiều năm làm trong lĩnh vực an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH khẳng định, sở dĩ xảy ra bất BĐG là bởi yếu tố lịch sử, phong tục tập quán và trình độ phát triển của đất nước. Ngày nay, khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, bất BĐG đang dần được thu hẹp khoảng cách. Cụ thể, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 7 tại khu vực châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra những thực trạng dẫn đến tình trạng bất BĐG: Thể chế hóa về BĐG của Việt Nam không kém các nước nhưng thực chất vẫn có vấn đề. Thực hiện lồng ghép giới còn có bất cập mặc dù luật pháp đã quy định. Vẫn có nhiều DN đưa ra những quy định để hạn chế nhận LĐ nữ vì cho rằng thời gian thai sản, nghỉ sinh và chăm con ảnh hưởng tiến độ sản xuất. Từ khi có Luật BĐG ra đời, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về BĐG (giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020), tuy nhiên lại chưa có chương trình quốc gia để thúc đẩy thực hiện BĐG hướng vào từng nhóm đối tượng.

Trực tiếp tư vấn, kết nối, tìm việc cho người LĐ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ Nguyễn Thị Bích Vân cho rằng: “Không hẳn DN e ngại sử dụng LĐ nữ, thậm chí có nơi rất thích tuyển vì sự cần cù, chăm chỉ, chịu khó. DN không muốn tuyển dụng nữ giới là do đặc thù công việc chứ không phải vì nhận thức”. Theo bà Vân, một số ngành nghề có thu nhập cao nhưng lại hạn chế LĐ nữ vì họ không có lợi thế để tham gia. Hơn nữa, phụ nữ e ngại phải đi công tác nhiều, di chuyển liên tục ở những địa bàn xa cũng có phần hạn chế hơn so với nam giới.

Hãy mạnh dạn và bản lĩnh

Để tăng tỷ lệ LĐ nữ làm việc ở những khu vực có quan hệ LĐ, với mức lương cao, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ đã tìm mọi cách giúp họ vượt qua rào cản. Trung tâm có những hỗ trợ đặc biệt đối với LĐ nữ đi tìm việc như tạo lập hồ sơ xin việc, trang bị kỹ năng phỏng vấn, gây dựng hình ảnh trước nhà tuyển dụng... Để giúp phụ nữ dễ tìm việc làm, Trung tâm tư vấn cách mặc trang phục thích hợp với ngành nghề tuyển dụng, trang điểm giúp cho gương mặt sáng hơn… Qua tư vấn, hỗ trợ, nhiều LĐ nữ mạnh dạn hơn trong quá trình đi tìm việc. Minh chứng rõ nhất là hơn 50% LĐ nữ được kết nối việc làm tại Trung tâm. “LĐ nữ cứ mạnh dạn, bản lĩnh thể hiện mình. Cùng với kiến thức được trang bị trong nhà trường, các bạn trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ, làm việc nhóm..., cơ hội việc làm với mức lương cao sẽ đến” - bà Vân đưa ra lời khuyên.

Theo ông Dũng, để thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực LĐ việc làm, nên có chính sách và giải pháp. Hiện nay, phụ nữ làm việc ở khu vực phi kết cấu chiếm tỷ lệ cao, chúng ta muốn họ chuyển sang nơi có quan hệ LĐ rất cần có những biện pháp mạnh để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Phụ nữ làm ở khu vực không có quan hệ LĐ, thu nhập thấp, khó có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, vì thế Nhà nước nên hỗ trợ họ một phần. Cũng như mở ra nhiều kênh đóng BHXH tự nguyện để người LĐ lựa chọn tùy theo khả năng. Một vấn đề đang được xã hội bàn luận nhiều đó là nâng tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ ở một số nhóm ngành nghề theo lộ trình để khi về nghỉ có mức lương cải thiện. Cùng với đó, DN thực hiện chế độ thai sản, nghỉ 1 tiếng trong thời gian LĐ nữ nuôi con dưới 12 tháng cũng là cách thu hẹp bất BĐG và nâng cao chất lượng LĐ.

Lương bình quân tháng của LĐ nữ làm công hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, trong khi nam là 5,19 triệu đồng. Hiện, LĐ nữ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng nhiều hơn nam, lên tới 57,2% trong tổng số hơn 592.000 người.