Lắp camera trong lớp học: Vấn đề nhạy cảm, nên hay không?

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xã hội hiện đại, phụ huynh (PH) ngày càng theo sát mọi hành động, lời nói của con nên đề xuất lắp camera trong lớp học được đặt ra. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền riêng tư của giáo viên (GV), học sinh (HS) và sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Tối giản hóa mọi việc
Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ bạo hành HS trong trường học khiến dư luận quan tâm. Sau đó, ngành giáo dục và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sẽ nhanh, chính xác hơn nếu có camera ghi lại vụ việc.
Đơn cử, việc cô giáo N.H.H. bạo hành trẻ lớp 2 ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lọt vào camera PH gắn ở lớp học.
Lắp camera trong lớp học sẽ khó thực hiện, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn. Ảnh: TL
Từ những vụ bạo hành gây chấn động, chị Nguyễn Thị Lán (phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, vụ việc này là do GV muốn HS theo ý mình nên đã tự tạo áp lực và HS chính là nguyên nhân của những áp lực đó. Để PH tin tưởng tuyệt đối, theo tôi, lắp camera là phương án hữu hiệu nhất và cần triển khai sớm tại các lớp thuộc cấp I, II, III.
Có con học tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), chị Dương Minh Hòa (phố Chính Kinh, Nguyễn Trãi) cho biết: HS tiểu học đang là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách, năng lực học tập, những hành động tốt hay xấu của GV sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ.
Liên tiếp nhiều vụ bạo hành HS xảy ra, chị Hòa mong muốn trường sẽ lắp camera trong lớp học để vợ chồng yên tâm hơn. “Tôi và nhiều PH mong muốn lắp camera không phải làm “cảnh sát” giám sát GV, tuy nhiên đây là cách phát hiện, làm rõ vấn đề, vụ bạo hành để xử lý triệt để, tránh tình trạng này tiếp diễn” - chị Hòa cho hay.
Là trường lắp đặt camera từ lâu tại lớp học và dọc khu vực hành lang, thầy Trần Mạnh Tùng, GV trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định có nhiều lợi ích khi lắp camera như quản lý được mọi hoạt động của GV, HS; thi cử nghiêm túc; đảm bảo an ninh trường học; đôn đốc các cá nhân làm việc tích cực, tự giác; tránh các biểu hiện tiêu cực...
Ở trường học, việc lắp camera giám sát giúp Ban giám hiệu nhà trường quan sát được diễn biến trong lớp học; HS và GV điều chỉnh hành vi, có ý thức thực hiện các quy định, chuyên môn của lớp; PH yên tâm hơn vì biết được việc học tập, sinh hoạt của con ở trường.
Ngoài ra, lắp camera đảm bảo an toàn cho HS và niềm tin của PH với nhà trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thiếu chuẩn mực của GV… Đặc biệt, đây là chứng cứ không thể chối cãi để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kết luận khi có vụ việc xảy ra.
Khó khăn khi thực hiện
Từ lâu, ở nhiều quốc gia đã lắp đặt camera tại khu vực sinh hoạt, ăn, ngủ của HS. Còn ở Việt Nam, thực tế, các trường chỉ lắp camera ở hành lang, sân chơi, cổng trường…
Nhiều lợi ích là vậy nhưng để triển khai cần nguồn ngân sách lớn, gây áp lực cho các trường. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho rằng, PH cũng đưa ra nhiều luồng ý kiến về việc lắp đặt camera trong lớp. Tuy nhiên, trường nào tự tin trong quản lý, sử dụng thì có thể lắp để mang tính chất đảm bảo an ninh là chính.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, việc lắp camera trong lớp học hay không phải tùy vào sự cần thiết, phạm vị, kinh tế khu vực đó. Đây là chủ trương tốt nhưng theo ông Quang vẫn có phần nhạy cảm nên cần bàn thêm trước khi triển khai.
Về vấn đề này, theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, nếu thủ tục cho tặng rườm rà, rất ít DN hay cá nhân bỏ ra cả trăm triệu để ủng hộ nhà trường. Vận động PH theo hình thức xã hội hoá để lắp camera là không thể, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn.
Những địa phương khó khăn sẽ khiến việc lắp camera trở nên xa vời. Điều này chỉ đảm bảo nếu được lấy từ ngân sách Nhà nước nhưng trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, hằng năm kêu gọi tiết kiệm chi phí ngân sách thì việc lắp đặt càng khó được thực hiện.