Lập lại trật tự đô thị tại Hà Nội: Nên thực hiện theo hai bước

KTS Trần Công Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trái phép để làm ăn là tình trạng xảy ra phổ biến, kéo dài; là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, xe cộ đi lại lộn xộn, bừa bãi làm mất mỹ quan đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lâu nay.

Do đó, việc chính quyền hai TP ra quân tuyên truyền, ngăn chặn, thu hồi phần vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép lần này cần được thực hiện quyết liệt và bài bản.
Có lộ trình phù hợp
Việc giải phóng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang diễn ra quyết liệt, với quyết tâm cao của Chính phủ và chính quyền hai TP lớn, nhằm lập lại trật tự đô thị bị xuống cấp nghiêm trọng và tạo hình ảnh TP Việt Nam văn minh, hiện đại, bền vững, lâu dài để không thua kém đô thị các nước phát triển trong khu vực. Song, do việc giải phóng vỉa hè, lòng đường chưa nói rõ chính sách “Chỉnh trang đô thị” và “An sinh xã hội”, nên khi xử lý các vụ việc vi phạm gặp phải nhiều vướng mắc, lúng túng trước sự phản ứng của các đối tượng vi phạm. Vì vậy, cần nói rõ cho người dân biết chính sách “Chỉnh trang đô thị” và “An sinh xã hội” khi xử lý các vi phạm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trái phép, sẽ tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, tránh được tình trạng “tát nước theo mưa” của những kẻ ăn theo.
 Công an phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thường xuyên kiểm tra trật tự vỉa hè trên địa bàn.  Ảnh  Thanh Hải
Đứng về mặt quy hoạch xây dựng đô thị, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang tồn tại hai loại “khu đô thị cũ” và “khu đô thị mới”, có điều kiện tiện ích khác nhau, liên quan trực tiếp đến nhiều tầng lớp dân cư, cần có chính sách xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường khác nhau để vừa có thể “chỉnh trang đô thị” vừa có thể tổ chức lại “cuộc sống đô thị”.
Đối với khu đô thị mới: Do đặc điểm, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại, trong mỗi khu vực quy hoạch đều được tính toán đầy đủ các giải pháp và tiêu chuẩn tiện ích phù hợp chức năng hoạt động, phù hợp với lối sống đô thị hiện đại. Nên cần kiên quyết thực hiện thu hồi đầy đủ diện tích vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép, phù hợp với ý đồ quy hoạch đô thị. Việc xử lý, ngăn chặn các hành vi xâm chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép cần thực hiện một cách kiên quyết, triệt để đối với các vi phạm quy hoạch, kiến trúc.
Đối với khu đô thị cũ: Do đặc điểm, được đầu tư xây dựng với các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị cũ, đã lạc hậu, trong mỗi khu vực quy hoạch đều chưa được tính toán đầy đủ các giải pháp và tiêu chuẩn tiện ích theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, nên trong “khu đô thị cũ” thường xuyên phát sinh nhiều yêu cầu cải tạo, nâng cấp các công trình để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đô thị hiện đại về nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu, cơ quan, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, nhà văn hóa, rạp hát, rạp chiếu bóng, chợ búa, hè đường, công trình cấp điện, cấp nước, thoát nước... với mật độ dân cư cao, tiêu chuẩn sử dụng đất ở bị giảm thiểu, ảnh trực tiếp đến đời sống dân cư đô thị, nhất là đối với tầng lớp dân nghèo... Vì vậy, cần có lộ trình giải phóng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép và tiến hành điều chỉnh lại “cuộc sống đô thị” phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Nghiên cứu đề xuất Quy hoạch điều chỉnh giao thông khu vực
Về lâu dài, cần phải có kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp các “khu đô thị cũ” trở thành “ khu đô thị hiện đại”. Trong khi chờ đợi trở thành “khu đô thị hiện đại”, vẫn cần có sự đầu tư chỉnh trang “khu đô thị cũ” nhằm cải thiện không gian kiến trúc, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường cư trú. Vì vậy, việc giải tỏa vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên thực hiện làm hai bước. Bước một: Tập trung lực lượng giải tỏa các khu vực vỉa hè, lòng đường đô thị bị chiếm dụng trái phép nằm trên các “đường phố chính” nhằm đáp ứng các yêu cầu: Tạo bộ mặt đường phố văn minh, hiện đại; Khôi phục lại trật tự đô thị; Trấn áp các hành vi vi phạm luật pháp về quản lý đô thị; Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý đô thị trên địa bàn TP.
Bước hai: Trên địa bàn các “đường phố khu vực” của “khu đô thị cũ”, cần tiến hành nghiên cứu đề xuất “Quy hoạch điều chỉnh giao thông khu vực” để UBND TP phê duyệt, trong đó quy định rõ những khu vực đường phố và vỉa hè dành riêng cho người hành nghề buôn bán nhỏ; Khu vực đường phố dành cho các phương tiện lưu thông có kiểm soát; Khu vực đường phố dành riêng cho người đi bộ & sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Khu vực làm chỗ giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô.
Đối với các khu vực dành giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô thì trong Đề án “Quy hoạch điều chỉnh giao thông khu vực” phải chỉ rõ vị trí khai thác các điểm đỗ xe đạp, xe máy, xe ô tô dựa trên ý tưởng đề xuất của “Quy hoạch cải tạo khu đô thị cũ phát triển hiện đại” theo hướng: Đầu tư xây dựng hệ thống nhà giữ xe nằm biệt lập (trên khu đất không có công trình xây dựng); Khai thác các tầng hầm giữ xe nằm dưới nhà cao tầng trong khu vực có công trình xây dựng (sẵn có và sắp có) và một phần vỉa hè, lòng đường được phép điều chuyển làm chỗ giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô đề xuất trong đồ án quy hoạch cải tạo “khu đô thị cũ” đã được UBND TP phê duyệt.
Để duy trì được trật tự vỉa hè một cách bền vững, bên cạnh rất nhiều giải pháp, Hà Nội cần có một đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật chung toàn TP. Đơn vị này có trách nhiệm tham mưu cho TP về việc cấp phép và quản lý toàn bộ những hoạt động kỹ thuật liên quan đến vỉa hè như đường điện, đường nước, cáp viễn thông... tránh tình trạng thi nhau đào bới vỉa hè như hiện nay.
KTS Nguyễn Thị Hồng Nhungnguyên cán bộ Viện Quy hoạch Hà Nội

Chúng ta hãy giải quyết từ việc nhỏ nhất, bởi xử lý ùn tắc giao thông rất tốn tiền. Nếu có tiền làm đồng bộ thì dễ, chỉ cần hạ tầng nâng cấp là giải quyết được vấn đề. Nhưng chúng ta không có tiền làm thì cần tối ưu hóa những cái đã có, đó chính là việc nâng cao ý thức người dân. Chúng tôi sẵn sàng nâng cao ý thức của mình nhưng các cơ quan chức năng phải tối ưu hóa hạ tầng bằng việc cắm biển báo chuẩn, lòng đường hướng dẫn chuẩn, tối ưu nhịp đèn tín hiệu, phân luồng giao thông tốt, lúc ấy mới giảm được tắc đường...
            Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Quản trị diễn đàn Otofun

Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT:
Ý thức của người dân thay đổi rõ rệt
Tôi cho rằng quy hoạch và giám sát việc thực hiện các quy định thì ngành xây dựng phải cùng vào cuộc. Không thể nhà cứ xây rồi, tam cấp lấn chiếm rồi, giao thông lại đi giải tỏa. Chúng ta có thể thấy rất nhiều tuyến đường mới ở Hà Nội, nhà mới xây cũng vi phạm chỉ giới xây dựng, rồi tam cấp cũng lấn chiếm vỉa hè. Ở đây, chúng ta phải làm tốt bài toán quy hoạch đô thị mới giải quyết được ùn tắc giao thông đô thị. Tuy nhiên, việc quan trọng hiện nay là cần tập trung làm tốt hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt. Viện Chiến lược và phát triển GTVT đang cùng với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và Hà Nội xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân. Rất mừng là qua khảo sát trực tiếp hơn 16.000 người, có tới 85% ý kiến đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung vào các quận nội thành. 96% người được hỏi ủng hộ việc xử lý lấn chiếm vỉa hè. Đây là những con số rất đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này đã có sự thay đổi rõ rệt.