Lấp lỗ hổng thất thoát

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Định giá tài sản DN là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong phiên thảo luận về quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN Nhà nước ngày 28/5.

Nhiều ý kiến nhận định, thực tế hiện vẫn còn một số những trở ngại không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nhiều DN lớn. Khắc phục được những khó khăn này không chỉ góp phần chống tham nhũng, tiêu cực mà còn tạo thêm điều kiện cho nền kinh tế hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế khu vực và thế giới, nâng cao đời sống của hàng vạn lao động.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Không chỉ qua giám sát tối cao của Quốc hội, mà các ĐB đều đồng tình nhận định, việc cổ phần hóa (CPH) các DN Nhà nước đã có những tác động tích cực, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê từ 571 DN CPH trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết DN đều tăng như tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động 33%... Nhưng bên cạnh đó, các ĐB cũng chỉ ra những khúc mắc, lỗ hổng dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước qua CPH do việc định giá giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế. Các ĐB thẳng thắn khi đề cập đến nhiều giá trị tài sản như thương hiệu DN, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một một số vị trí đắc địa… không được đánh giá đúng. Nhiều DN bị bán với giá bèo bọt. Có một thực trạng là tài sản Nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên, còn tài sản Nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi. Thêm vào đó, các quy định pháp lý vẫn đang trong quá trình hình thành và chưa thể theo kịp thực tế phức tạp này. Như ĐB Hoàng Văn Cường đã phân tích ra ba dạng làm thất thoát tài sản Nhà nước, đó là: Kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn; mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn; định giá DN thấp khi CPH.

Đặc biệt, việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN CPH cũng là một trong những vấn đề được quan tâm nhất thời gian qua và cả trên nghị trường Quốc hội. Giá trị đất đai đưa vào quá trình CPH không bao gồm đất thuê của Nhà nước và không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan tới địa điểm vào giá trị đất thuê, những lỗ hổng này khiến tài sản Nhà nước có thể bị định giá rẻ đi và các nhóm lợi ích có thể trục lợi từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khiến Nhà nước thất thu cả nghìn tỷ đồng. Rồi nhiều khu vực đất đai đang bị sử dụng rất lãng phí, quản lý chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận…

Từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ tiếp tục thực hiện CPH gần 140 DN Nhà nước, trong đó có nhiều DN nắm giữ "đất vàng". Thực tế này đòi hỏi cần có những đổi mới trong quản lý nhằm ngăn tình trạng trục lợi về đất đai trong quá trình CPH. Như Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nói, để khắc phục hạn chế, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, qua đó việc quản lý đất đai trong quá trình CPH được thực hiện chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐB và cử tri mong rằng, Chính phủ, Quốc hội vẫn cần có những điều khoản mạnh hơn về quy chế giám sát quá trình CPH, quy kết người chịu trách nhiệm và biện pháp xử lý sai phạm, để ngăn ngừa những thương vụ đáng tiếc như trong thời gian vừa qua. Đồng thời, nghiên cứu ban hành Luật về CPH. Đây sẽ là khung khổ chính sách để thúc đẩy khu vực DN tư nhân trong nước tham gia được vào quá trình thoái vốn Nhà nước trong DN, lấp những lỗ hổng, tránh thất thoát trong quá trình CPH.