Lây lan dịch tả lợn châu Phi từ thức ăn thừa: Nhiều người vẫn chủ quan

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, nguyên nhân gây lây lan dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua chủ yếu là do người chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP.

Gia đình ông Nguyễn Đình Tràng, thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế, Hoài Đức hàng ngày vẫn sử dụng thức ăn thừa cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Phương Nga
Nguyên nhân đã được cảnh báo
Hiện nay DTLCP đã xuất hiện ở 18 tỉnh, thành trong cả nước. Tại Hà Nội, đã có 14 xã, phường của 6 quận, huyện bùng phát DTLCP, đã có 536 con lợn phải tiêu hủy. Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tổng số 6 vùng phát hiện DTLCP thì có tới 4 quận, huyện khẳng định, nguyên nhân là do người dân tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn về cho lợn ăn.

Dẫn chứng tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chung, tổ 36, Lĩnh Nam, Hoàng Mai có đàn lợn 45 con mắc DTLCP ngày 6/3 vừa qua đã cho lợn ăn loại thức ăn không bảo đảm này. Ông Chung cho biết: “Thường thì buổi sáng tôi sẽ đi thu gom thức ăn thừa từ nhà hàng, khách sạn, tới buổi chiều tôi mới nấu lại trước khi cho lợn ăn. Tuy nhiên, tôi không lường trước được rằng trong khoảng thời gian đó, những vật chủng trung gian như ruồi, muỗi, gián và chuột đã đưa mầm bệnh vào chuồng nuôi lợn”.

Thức ăn thừa sau khi xử lý nhiệt trên 700C là có thể tiêu diệt được vi rút DTLCP. Tuy nhiên, người chăn nuôi nên hạn chế sử dụng, bởi nguy cơ lây bệnh từ thức ăn thừa vẫn rất cao, đó là thông qua các vật chủ trung gian như chuột, ruồi, muỗi, gián, hay chính phương tiện, đồ dùng vận chuyển thức ăn thừa cũng có thể mang theo mầm bệnh...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn

Tại huyện Quốc Oai, địa phương vừa phát hiện có DTLCP ngày 12/3. Hiện địa phương đang rốt ráo thực hiện các biện pháp khống chế dịch lan rộng. Khi hỏi về nguyên nhân chính lây lan DTLCP, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Quang Thắm khẳng định: Nguyên nhân là do người dân lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn trong nội thành về cho lợn. Qua thống kê, 4 hộ có đàn lợn mắc DTLCP thì có 3 hộ lấy thức ăn thừa về cho lợn ăn. Hộ còn lại tuy không cho lợn ăn thức ăn thừa nhưng lại ở sát hộ có dịch mà không lường trước được nguy cơ lây lan bệnh.

Ông Đôn Văn Đặng, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, chia sẻ: Để tiết giảm chi phí trong chăn nuôi, hàng ngày tôi thường đi thu gom thức ăn thừa tại các nhà hàng, khách sạn quanh vùng về cho lợn ăn. Ngày 11/3, thấy đàn lợn có các triệu chứng lâm sàng của DTLCP gia đình đã báo chính quyền địa phương lấy mẫu đi xét nghiêm, kết quả đàn lợn đã bị mắc DTLCP. Tổng đàn là 31 con lợn rừng, hiện đã được tiêu hủy đúng quy trình, kỹ thuật.

Đừng vì thói quen cũ khiến bệnh dịch lây lan

Trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch phải như chống giặc”, thời gian qua các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng như người chăn nuôi đã và đang ráo riết thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, trong khi các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thực hiện nghiêm ngặt việc ngăn chặn DTLCP, thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn có tâm lý chủ quan, ngay cả khi được tuyên truyền về con đường và nguyên nhân chính lây lan dịch bệnh. Nhiều hộ vẫn đến các nhà hàng, khách sạn lấy thức ăn thừa về cho đàn lợn.
Để công tác phòng, chống DTLCP có hiệu quả, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.

Xã Cát Quế, huyện Hoài Đức là địa phương có đàn lợn chiếm xấp xỉ 50% tổng đàn của huyện Hoài Đức với khoảng 24.000/55.600 con, trong đó chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, gần 100% số hộ chăn nuôi tại đây sử dụng thức ăn thừa cho đàn lợn. Gia đình ông Nguyễn Đình Tràng, thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế, hiện nuôi gần 100 con lợn, tuy nhiên ông cho biết: “Tôi đã chăn nuôi theo phương thức này mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ phát sinh dịch bệnh. Cả làng, cả xã này nhà nào cũng làm như thế mà chưa thấy lợn bị làm sao. Hơn nữa, khi đem về tôi đã nấu kỹ rồi mới cho lợn ăn, nên cũng yên tâm” – ông Tràng giải thích.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để ngăn chặn DTLCP lây lan rộng, giải pháp cấp bách hiện nay là các quận, huyện chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố cam kết thực hiện quản lý chặt thức ăn dư thừa. Người dân có thể sử dụng thức ăn thừa cho lợn nhưng phải cam kết bảo quản trong thùng chứa có nắp đậy kín. Các dụng cụ chứa đựng hàng ngày phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Trước khi đưa ra khỏi cơ sở, phải được xử lý nhiệt. Định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng và diệt chuột tại cơ sở. Bên cạnh đó, nơi tập kết thức ăn thừa được cách ly xa với khu vực chuồng nuôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần