Lấy ý kiến người dân vào văn bản pháp luật: Chặt chẽ để tránh hình thức

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quy trình lấy ý kiến, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của người dân trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đó là một trong những vấn đề được quan tâm khi Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL đang được cho ý kiến.

Cần cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến
Lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động là một trong những thủ tục bắt buộc trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật hiện hành cũng đã có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể về việc lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo VBQPPL.
Cụ thể như bước đầu quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan, tổ chức tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án, dự thảo VBQPPL. Đồng thời, cũng đã quy định cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý…
 Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi đánh giá 3 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số tồn tại việc lấy ý kiến góp ý đối với các đề nghị xây dựng VBQPPL. Các cơ quan lập đề nghị mới chỉ chú trọng đến việc lấy ý kiến một số bộ, chưa chú trọng đến việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.
Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến chưa quan tâm đến việc góp ý; hầu hết các đề nghị, dự án, dự thảo đăng tải trên Cổng thông tin điện tử không nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Bởi thế, việc lấy ý kiến đối với dự án, dự thảo VBQPPL còn mang tính hình thức. Đặc biệt, hình thức đối thoại trực tiếp về chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết với đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản chưa được các tỉnh, TP áp dụng trên thực tế.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lấy ý kiến vào các dự thảo mang tính hình thức cũng được chỉ ra như thời gian gửi hồ sơ dự án, dự thảo văn bản để lấy ý kiến thường rất gấp, không đầy đủ hoặc nội dung sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết…
Đặc biệt, do Luật hiện hành chưa quy định cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình, phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình này; chưa quy định rõ thời điểm, thời hạn đăng tải tài liệu này và việc cập nhật nội dung giải trình, tiếp thu khi thời hạn lấy ý kiến là tương đối dài.
Trong khi đây là một trong những quy định mới, quan trọng góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình soạn thảo VBQPPL.
Nâng cao trách nhiệm tiếp thu
Khi góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, nhiều ý kiến đề xuất, khi sửa Luật Ban hành VBQPPL, cần có những tiêu chí cụ thể để xác định những dự luật nào sẽ lấy ý kiến Nhân dân, những trường hợp bổ sung việc lấy ý kiến Nhân dân trong quy trình xây dựng luật cũng chưa được quy định cụ thể dẫn tới lúng túng nếu yêu cầu bổ sung việc lấy ý kiến.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Nguyễn Mai Hoa dẫn chứng, trường hợp Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa qua, lần thứ hai lần cho ý kiến Nhân dân, thời gian rất gấp nên chất lượng lấy ý kiến cũng chưa “thỏa mãn” được yêu cầu. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng luật, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của những đối tượng do luật tác động.
Đồng thời, để chính sách đi vào cuộc sống, việc lấy ý kiến Nhân dân rất quan trọng, do đó, Dự thảo Luật lần này cần có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ quá trình lấy ý kiến Nhân dân. Đề cao ý kiến, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc thiết kế cách gợi mở để người dân đóng góp ý kiến, sau đó phải có báo cáo phản hồi, vấn đề gì đã tiếp thu, vấn đề gì chưa tiếp thu để nâng cao trách nhiệm của người góp ý kiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần