Lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Đảm bảo tính khoa học và khả thi cho việc tiếp thu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và những vấn đề còn ý kiến khác nhau quanh Dự Luật này vừa được Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội bàn thảo tại phiên họp mở rộng. Trong đó, vẫn còn nhiều vấn đề cần sự định lượng chi tiết hơn.

Hơn 1 triệu lượt ý kiến
Theo báo cáo Kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Chính phủ, phạm vi và nội dung lấy ý kiến về Dự Luật được nhận định là toàn diện, trong đó tập trung vào 11 vấn đề. Tổng hợp cho thấy đã có hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự Luật, ngoài các hội thảo ở cấp T.Ư, tại địa phương, các sở, phòng giáo dục và đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ quản lý các cấp, đại diện cha mẹ học sinh và người học (đối với THCS, THPT), và nhiều cơ sở đào tạo cũng tổ chức lấy ý kiến bằng nhiều hình thức đa dạng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận, đóng góp ý kiến vào Dự Luật.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Từ các ý kiến góp ý cho thấy, các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới, liên quan đến quyền của đa số đối tượng chịu sự tác động (đội ngũ nhà giáo, gia đình người học) đều cơ bản thống nhất với Dự Luật được trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Như vấn đề nên hay không nên quy định về triết lý giáo dục trong Dự Luật, phần lớn các ý kiến góp ý đồng tình với quan điểm triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy định về mục tiêu của giáo dục; tính chất, nguyên lý giáo dục….
Do vậy, trong Dự Luật không cần phải có một chương hay điều luật riêng có tên là “triết lý giáo dục”, mà chỉ cần tiếp tục hoàn thiện một bước các quy định góp phần thể hiện nội dung, tinh thần của triết lý giáo dục. Tỷ lệ đồng tình với quy định về học phí, không thu học phí, cơ chế học phí cũng được trên 99% ý kiến tán thành với quy định của Dự Luật…
Cùng với đó, Chính phủ còn có 3 phụ lục kèm theo, thống kê cụ thể số lượng ý kiến đồng ý, không đồng ý, hay có quan điểm khác về 11 vấn đề trọng tâm, trong 31 nội dung được đưa ra lấy ý kiến. Cách làm này được Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đánh giá cao, tuy nhiên việc chỉ đưa ra nhận định mang tính định tính như “phần lớn ý kiến”, mà không đưa số liệu cụ thể, giải trình thỏa đáng được sẽ khó thuyết phục được đại biểu Quốc hội, cử tri, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách nhà giáo, đầu tư tài chính cho giáo dục…
Đa dạng hơn đối tượng góp ý
Như các ý kiến trong Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội nhận xét, Dự Luật Giáo dục (sửa đổi) có mức độ ảnh hưởng lớn, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nên về nguyên tắc, đối tượng tham gia đóng góp ý kiến cần đa dạng và đại diện cho tất cả các tầng lớp Nhân dân. D
ù các cơ quan chức năng đã nỗ lực phối hợp thực hiện việc lấy ý kiến nhưng nhìn chung, công tác này chưa thu hút được sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành giáo dục, nhất là ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá, việc tổng hợp, phân tích ý kiến chưa dựa trên số liệu thống kê, chủ yếu là định tính, thiếu các nhận định ở dạng định lượng để bảo đảm độ tin cậy…
Trong đó, có ý kiến cho rằng, đối với một số vấn đề phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn sâu như quy định về tiền lương nhà giáo, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đầu tư tài chính cho giáo dục, quản lý Nhà nước về giáo dục... nếu chỉ lấy ý kiến từ giáo viên, cán bộ quản lý cấp sở, phòng, liệu có thể thu được những đánh giá xác đáng. Bởi câu trả lời là rất khó vì cần trình độ chuyên môn, am hiểu kinh nghiệm... Do vậy, cần có hình thức lấy ý kiến phù hợp hơn, có tính chuyên môn cao hơn để bảo đảm tính khoa học và khả thi cho việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định của Dự Luật…
Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự Luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 32 sắp tới, đây là cơ sở để các cơ quan liên quan hoàn thiện Dự Luật.