Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (23/8), Ủy ban ATGT Quốc gia có thông cáo về việc tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018, và nội dung Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động “Tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, giai đoạn 2018 - 2022.

Lễ cầu siêu các nạn nhân TNGT là hoạt động ý nghĩa được tổ chức thường niên trong nhiều năm qua
Trong thông cáo được phát đi, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2018 là năm thứ 7 Ủy ban ATGT Quốc gia tham gia cùng với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Buổi lễ sẽ được tổ chức vào tối nay (23/8) tại trụ sở Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Tham dự Lễ cầu siêu gồm Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội, cùng đông đảo tăng ni, phật tử và khách thập phương.

Một điểm mới đáng chú ý trong Lễ Cầu siêu năm nay là ngoài buổi lễ chính được tổ chức tại trụ sở Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tất cả các chùa thuộc Giáo hội trên toàn quốc sẽ đồng thời tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn vào dịp Lễ Vu Lan rằm tháng 7 âm lịch, để cùng tưởng nhớ và bày tỏ niềm xót thương với những người không may qua đời khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân yêu của họ.

Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông là một trong các hoạt động chính của Chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động “Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2018 - 2022 giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia giai đoạn 2018 - 2022.

Những nội dung chính gồm: Tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng về trật tự, an toàn giao thông và pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đến Tăng Ni, Phật tử cả nước; tuyên truyền, vận động Tăng Ni, Phật tử xây dựng ý thức “Văn hóa giao thông”, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Ngoài ra còn các hoạt động tuyên truyền, vận động các chủ đề: “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; các nguy cơ, hiểm họa tai nạn xe mô tô, xe gắn máy; biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy và kỹ năng điều khiển xe an toàn; biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ sang đường, đi xe đạp, xe đạp điện; tai nạn đò ngang, tai nạn đường ngang đường sắt...

Về hình thức tuyên truyền, vận động, vào ngày 13/7 (âm lịch) hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn một trụ sở (chùa) để tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông để sự bình yên, an toàn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà khi tham gia giao thông;

Bên cạnh đó, vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, tại tất cả các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều lồng ghép lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với lễ cầu siêu của chùa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn các Ban Trị sự các cấp chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông cùng cấp và gia đình, thân nhân các nạn nhân tổ chức nghi thức tâm linh tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông có người tử vong ngay sau khi xảy ra tai nạn; hướng dẫn gia đình nạn nhân và người dân quan tâm tổ chức thờ tự người thân không may tử vong do tai nạn giao thông tại gia đình và tại cơ sở phật giáo trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn, không lập am, miếu thờ tự tại hiện trường, ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông của tuyến đường; phối hợp với gia đình, thân nhân nạn nhân và chính quyền địa phương tổ chức nghi thức tâm linh để di chuyển điểm thờ tự nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông từ các am, miếu trong hành lang an toàn giao thông dọc các tuyến đường về các cơ sở phật giáo trên địa bàn.

Ngoài ra còn có chương trình tập huấn, tăng cường năng lực cho lãnh đạo các cấp Giáo hội và đội ngũ trực tiếp tổ chức thực hiện công tác tuyền truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho tăng ni, phật tử.