Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn biến chất như thế nào?

Linh Anh ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi chờ kết luận kết luận chính thức về kết quả sự cố trâu húc chủ tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, dư luận vẫn không hết tranh cãi về lý do bi kịch lễ hội, cũng như có nên tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội này vào các năm sau?

 Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Trâu bị kích động vì tiếng trống là không thuyết phục
Không ai mong muốn xảy ra sự vụ trâu húc chết người tại một lễ hội nhưng khi xảy ra lỗi là vì con người chứ không vì …trâu, dù nó điên. Đôi khi chúng ta phải đặt câu hỏi, bản chất của động vật – con trâu là con vật ngoan ngoãn của người nông dân, vậy tại sao nó lại trở nên điên rồ như thế? Tôi xem rất kỹ clip và thấy con trâu húc chết người ấy tỏ ra không muốn đấu, nhưng bị người chủ ép đấu. Phản ứng của nó rất hỗn loạn. Ngay khi nó húc chính chủ của mình là nó đã không làm chủ được nữa, không phân biệt được người lạ người quen. Dư luận cần một câu trả lời rõ ràng, xem có bị uống, tiêm chất kích thích không? Còn như chính quyền giải thích nó bị kích động vì tiếng trống, tiếng hò hét thì có vẻ không thuyết phục.
Tôi không ủng hộ phương án duy trì lễ hội này. Bởi vì, xét về tính chất lễ hội này thì đây là một lễ hội dã man, trâu thắng cũng chết. Theo tôi nên cất lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào kỷ nhiệm. Nguyên tắc chung là vì tính an toàn của lễ hội, tính nhân văn của lễ hội. Cho dù địa phương mong muốn duy trì lễ hội để quảng bá du lịch, thu hút khách thập phương. Lễ hội mà chỉ mang thông điệp dã man, tàn sát, chà đạp kẻ yếu, chả mang tới điều gì cả. Một đám đông hò hét, ẩn sau những tiếng hò hét còn là cá độ, đánh cược, chắc chắn là cần bỏ.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Hệ quả của việc phục dựng không có chọn lựa
Trong những năm qua chúng ta phục dựng quá nhiều di sản nhưng không phải cái gì cũng phù hợp với thời nay. Đây là hệ quả của việc phục dựng không có chọn lựa. Bởi vì mỗi một ngành di sản nó có một thời kỳ lịch sử, không gian, văn hóa quyết định.
 TS Trần Hữu Sơn
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được đem ra tổ chức ở sân vận động, có bán vé, có cá cược, có huy động thì với những hình ảnh như thế không còn là di sản văn hóa nữa. Nó hoàn toàn là thể thao mang tính thương mại.
Vấn đề nữa là công tác tổ chức y tế ở đấy hết sức nghiệp dư, không có cấp cứu tại chỗ. Sau khi xảy ra sự vụ trâu húc chủ, công an phản ứng rất chậm chạp. Trong nhiều năm qua, chúng ta phục dựng lại quá nhiều lễ hội vì mục đích du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, biến thành sản phẩm thương mại, đó là một sai lầm rất lớn trong cách bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa.
TS Trần Hữu Sơn: Đấu bò tót bị lên án nhưng Tây Ban Nha vẫn làm
Tôi cho rằng không dễ để bảo cấm lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Cứ thử nhìn xem, mọi người bảo chọi trâu dã man nhưng boxing còn dã man hơn. Hoặc đấu bò tót ở Tây Ban Nha cũng bị lên án là dã man, nhiều người phản đối, nhưng chính quyền địa phương vẫn làm.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại tổng thể của một lễ hội, không thể vì một sự kiện mà ném đá tất cả hàm chứa văn hóa trong lễ hội.
Để xảy ra sự việc vừa qua lỗi trước hết là của Ban tổ chức. Anh không thể đổi lỗi cho người này, người kia, hay do con trâu này khác thường, chỉ có thể là Ban tổ chức chưa quản lý chặt, không có kịch bản cụ thể khi những biến cố xảy ra. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đang bị thương mại hóa, Ban tổ chức chỉ chăm lo thu tiền. Cơ quan quản lý cần quan tâm chấn chỉnh điều này, trả lễ hội về đúng không gian ban đầu.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Hồ sơ công nhận di sản đã nêu rất rõ giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, chọi trâu chỉ là một phần của lễ hội này. Việc tổ chức nếu có biểu hiện lợi dụng để trục lợi, làm sai lệch, biến tướng giá trị của di sản văn hóa, không đảm bảo an toàn nhất là tính mạng của con người, dứt khoát cần phải thay đổi”.