Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Tranh luận xong vẫn cho tổ chức

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều dư luận quan tâm nhất là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có bị cấm sau sự cố trâu húc chết chủ hôm 11/7. Thế nên sáng 7/9, Bộ VHTT&DL mời gần 30 nhà khoa học hàng đầu về văn hóa dân gian đến để bàn thảo có hay không tiếp tục duy trì Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Chấp nhận tính thương mại
Không chỉ sự cố vừa rồi, mà nhiều năm trước Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã vướng lùm xùm về giá bán thịt “trên trời” (6 triệu đồng/kg năm 2016), bạo lực lễ hội… Thế nhưng, Bộ VHTT&DL chưa từng “tuýt còi” vì lễ hội này đã được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia. Gần 20 năm khôi phục, lễ hội là điểm hẹn đón du khách tháng 8 hằng năm.
 Một cặp trâu chọi trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017.
Ông Hoàng Xuân Minh – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn chia sẻ: “Lễ hội đã ăn sâu vào tâm trí người dân Đồ Sơn, nên trong những cuộc họp lấy ý kiến cử tri hoặc tọa đàm lấy ý kiến Nhân dân sau sự cố, mọi người đều tha thiết giữ lại lễ hội”. GS Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thừa nhận, nhận được rất nhiều thư của người dân Đồ Sơn bày tỏ sự tiếc nuối nếu lễ hội bị cấm.

Không đồng quan điểm với GS.TS Nguyễn Chí Bền, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, nhà khoa học hay lãnh đạo Bộ VHTT&DL không có quyền cấm lễ hội theo tư duy thời bao cấp, mà chỉ có quyền định hướng quản lý. PGS.TS Lương Hồng Quang thì cho rằng, lễ hội đi chệch với giá trị ban đầu thì cơ quan quản lý có quyền cấm. “Trước đây, lễ hội có quy mô xã, nay mang quy mô cấp quốc gia, nên chúng ta phải chấp nhận điều đó, kể cả chuyện thương mại hóa như bán thịt trâu, bán vé… vì trong nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa đều có khía cạnh thương mại” – PGS.TS Lương Hồng Quang nhấn mạnh. TS Trương Quốc Bình đánh giá lễ hội vẫn xứng đáng là 1 trong 15 lễ hội lớn trong số hơn 8.000 lễ hội của cả nước; vẫn mang ý nghĩa sức mạnh tâm linh với người dân vùng biển. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đồng tình tiếp tục cho phép Hải Phòng tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 9 tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, UBND quận Đồ Sơn và TP Hải Phòng phải xây dựng lại quy chế và quy trình tổ chức.

Đưa công nghệ tổ chức vào lễ hội

Ngoài thiếu sót mà ông Hoàng Xuân Minh thừa nhận trong công tác tổ chức vòng loại, GS Tô Ngọc Thanh còn yêu cầu khắc phục chuyện chủ trâu phải nộp vài chục triệu mới được tham gia đấu chọi. “Mua trâu, chăm bẵm cả năm trời giờ lại nộp tiền để tham gia xới chọi thì chủ chọi tốn cả trăm triệu” – GS Tô Ngọc Thanh phân tích.

Hiện nay, UBND quận Đồ Sơn đã sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức. Trong đó sẽ tập trung vào phần lễ như: Dâng hương, thượng cờ, rước nước, lễ tế… Phần hội sẽ bổ sung tiêu chí chủ trâu tham gia lễ hội do cộng đồng dân cư bình bầu. Các nhà khoa học thừa nhận lễ hội của Nhân dân nhưng cũng không thể vắng chính quyền trong khâu tổ chức quản lý. Đặc biệt, PGS.TS Lương Hồng Quang đề xuất đưa công nghệ tổ chức sự kiện vào lễ hội.

GS.TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, biện pháp mà UBND quận Đồ Sơn đưa ra chỉ là giải pháp tình thế cho mùa lễ hội 2017, về lâu dài, cần xây dựng đề án đổi mới công tác tổ chức quản lý. Trong đó cần chỉ ra việc nghiên cứu khôi phục phần lễ mất đi, bố trí lại phần hội và đề ra các giải pháp phát triển du lịch tâm linh. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý, định hướng công tác tổ chức lễ hội.

"Ban tổ chức vừa bổ sung hơn 10 biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách như: Dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng các trại trâu kiên cố, thành lập hội đồng kiểm tra trâu tham gia lễ hội, quy định số người dắt trâu vào sân, vị trí trọng tài, chủ trâu… Trong 1 mùa lễ hội dự kiến số lượng trâu chọi sẽ giảm từ 32 xuống còn 16." - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh