Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945/28-8-2015) và đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu chỉ đạo. Dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương.

Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của Ngành Ngoại giao, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Ngành Ngoại giao trong suốt thời gian qua.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn  Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống của Ngành Ngoại giao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống của Ngành Ngoại giao.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, 70 năm xây dựng và phát triển đất nước cũng là 70 năm Ngành Ngoại giao Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, cùng với các mặt trận quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội phục vụ đắc lực cho các sứ mệnh cách mạng cao cả. “Trong quá trình 70 năm phụng sự đất nước, ngoại giao Việt Nam đã xây đắp nên những truyền thống hết sức vẻ vang, mà trước hết là truyền thống luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc. Những truyền thống tốt đẹp của Ngành Ngoại giao đang được các thế hệ những người làm công tác đối ngoại tiếp tục xây đắp, gìn giữ và phát huy. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt để “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Ngay từ buổi đầu dựng nước đầy khó khăn, ngoại giao đã là mũi chủ công để đối phó với cả “thù trong” lẫn “giặc ngoài”, là vũ khí quan trọng nhằm củng cố, kéo dài thời gian hòa bình quý giá để xây dựng lực lượng, tích lũy thế và lực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền độc lập mới giành được và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do của dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, “ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”, phối hợp nhịp nhàng cùng với các mặt trận chính trị, quân sự vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường, vừa góp phần làm sáng tỏ chính nghĩa sự nghiệp bảo vệ và thống nhất đất nước từ đó tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của các hội nghị Geneve và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngoại giao Việt Nam trong suốt 70 năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng yêu cầu trong thời gian tới, Ngành Ngoại giao cần tiếp tục không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy mạnh mẽ, nhạy bén hơn nữa để bắt kịp với các diễn biến của thời cuộc. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đã đi được nửa chặng đường trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến rất nhanh, đa dạng và ngày càng phức tạp. Đối với nước ta, công cuộc đổi mới toàn diện đã và đang tạo ra những tiền đề, cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục nâng cao sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước, tạo cơ hội để chúng ta phát triển nhanh hơn. Mặt khác, những khó khăn và yếu kém nội tại cùng những thách thức đặt ra trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, bảo vệ Đảng và chế độ Xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng gay gắt, đe dọa đến sự ổn định và phát triển của đất nước”.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những công lao, đóng góp to lớn của Ngành Ngoại giao vào sự nghiệp chung của dân tộc. Đây là lần thứ hai, Bộ Ngoại giao vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần