Lẽ nào bỏ mặc sông Hồng?

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ chỗ “quay lưng” với sông Hồng từ năm 1926, đến tháng 8/2008, trong không gian đô thị bức bối, Hà Nội tiến tới lập dự án “quay phố ra sông” với sự giúp đỡ của Hàn Quốc. Nhưng khi mở rộng Hà Nội, dự án có số vốn 7 tỷ USD tạm thời ngừng lại.

Sau 8 năm, dự án Trấn sông Hồng tái khởi động với quyết tâm cao hơn, thận trọng hơn từ nguồn vốn huy động của các DN trong nước. 
Bù đắp thiếu hụt không gian công cộng

Nói đến Hà Nội sông nước người ta thường nghĩ ngay đến sông Hồng. Sông Hồng là một yếu tố lớn của đô thị Hà Nội, có thể tạo ra định hướng chính xác hơn hoặc xây dựng những hình mẫu cho vấn đề phát triển của TP. Nhưng đã có một sự quên lãng về chính sách trong những năm qua. Đây là sự phí phạm rất lớn nguồn tài nguyên lớn lao này. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là cách ứng xử “quay lưng” với sông Hồng.
Trên thế giới hầu như các đô thị nổi tiếng đều có dòng sông chảy qua. Chẳng hạn như sông Saint của Pari (Pháp), sông Theme của London (Anh), sông Matxcova của Matxcova (Nga)… đều gắn liền với lịch sử phát triển đô thị của mình. Còn ở các nước xung quanh Việt Nam, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) có sông Hàn, Băng Cốc (Thái Lan) có sông Chao Phraya… cũng đều sở hữu một cảnh quan đô thị sinh động nhờ tăng thêm diện tích cây xanh mặt nước. Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội là dòng chảy khá đặc biệt nhưng cũng là dòng sông gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô, do đó phải có trách nhiệm khai thác sông Hồng xứng tầm với sự phát triển Hà Nội với quan điểm xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại.
 Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận huyện Đông Anh và quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Theo KTS Trần Huy Ánh, trong quy hoạch về không gian xanh Hà Nội đã từng coi mặt nước sông Hồng là không gian xanh, cộng cả phần không gian này lại thì được diện tích bình quân không gian xanh đầu người lớn đến mức ngạc nhiên (3m2/người). Coi sông Hồng đóng góp cho không gian xanh cũng cần xem nó là một không gian công cộng xanh thật sự, để kéo bình quân không gian xanh còn thấp ở Hà Nội. Trước đây, khi phía Hàn Quốc lập dự án, chúng ta thường lo lắng họ xem trọng giá trị bất động sản thu lại được hơn là mục tiêu phát triển không gian cảnh quan tự nhiên. Nay dự án đã có sự chuyển đổi sang các DN lớn trong nước, ở khía cạnh tích cực đây là cơ sở để kỳ vọng. Khi cùng mang trong mình dòng máu Việt, rõ ràng các DN này sẽ có trách nhiệm với đất nước hơn. Chưa biết được các tập đoàn DN lớn sẽ tiến hành cụ thể ra sao nhưng nếu quan niệm đưa sông Hồng trở thành một không gian “cứu cánh” để bù đắp lại sự thiếu hụt không gian công cộng xanh của Hà Nội là ý tưởng rất đáng để suy ngẫm. Nó có thể tạo nên hình ảnh đặc trưng cho TP ven sông chứ không phải “chợ bất động sản”. Đó là những việc làm xứng đáng với sông Hồng, làm cho Hà Nội thoát ra những toan tính tầm thường. Những dự án nhà đất chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài là làm Hà Nội trở nên kiêu hãnh hơn, có tầm nhìn hơn, hướng tới tương lai xanh hơn. "Vì lẽ đó, không thể “bỏ mặc” cũng không được “qua loa” khi ứng xử với sông Hồng. Phải xem sông Hồng là sông mẹ đẻ ra TP mặt tiền sông và tiếp tục nuôi sống TP đó thịnh vượng về mặt vật chất, tinh thần. Biến Hà Nội thành một TP sông hiện đại của thế kỷ XXI, có cơ hội vượt qua những TP sông đã trở nên rực rỡ trong thế kỷ XX” - KTS Trần Huy Ánh trăn trở.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Giới chuyên môn đều đồng tình rằng, việc quan trọng nhất đối với sông Hồng không phải là vẽ cái gì lên đó mà phải tìm ra được dòng nước chảy như thế nào. Dòng chảy sông Hồng là dòng chảy liên tục qua hàng triệu năm đã bồi đắp nên châu thổ sông Hồng. Dòng chảy sông Hồng qua Việt Nam có thể chia thành mấy đoạn, từ Lào Cai đến Việt Trì, từ Việt Trì đến Hà Nội và từ Hà Nội ra cửa sông chảy về biển Đông. Trong đó đoạn chảy qua Thủ đô liên quan rất nhiều đến tổ chức không gian đô thị. “Sông Hồng đoạn Hà Nội dài khoảng 40km là một vấn đề hết sức lớn và quan trọng đối với sự phát triển đô thị. Do đó theo tôi, vấn đề trước tiên để nghiên cứu được việc này, Bộ NN&PTNT phải làm rõ và phải có những quyết định về dòng chảy cũng như phân lũ qua đoạn Hà Nội (cần phải làm rõ những phạm vi, ranh giới đất đai dọc hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội mà liên quan đến dòng chảy sông Hồng). Bây giờ chúng ta có thủy điện Hòa Bình, thủy điện Tuyên Quang, thủy điện Sơn La và cả thủy điện Lai Châu nên đã hạn chế rất lớn dòng chảy của sông Hồng về mùa lũ khi đổ về đồng bằng và Hà Nội” - KTS Trần Ngọc Chính nhận định.

Trong khi đó, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT vẫn trăn trở bài toán tái định cư. Việc di dời dân cư ở lòng sông Hồng là một vấn đề phức tạp. Tại đây dân cư được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ tự đến lấn chiếm đất bãi sông Hồng cư ngụ không chính thức. Cũng có nhóm Nhà nước bố trí tái định cư tại đây. Vấn đề giải phóng mặt bằng vì thế rất quan trọng cần được đặt ra đối với những đại dự án như thế này. Ở đây giải phóng mặt bằng là khó do số lượng đông, hoàn cảnh và nghề nghiệp khác nhau… Tình trạng này dẫn đến hoàn cảnh tái định cư rất phức tạp. Tuy nhiên lại là bài toán dứt khoát phải giải, bởi vì để bãi sông Hồng như hiện tại thì không phải là một TP phát triển. Chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tuy có rồi nhưng áp dụng trong môi trường đô thị phức tạp này cũng là điều cần cân nhắc kỹ. Nhất là những trường hợp mà lấn chiếm đất đai, chưa có hộ khẩu chính thức. Nếu giải phóng được thì rất tốt không chỉ cho dự án mà là bài toán mà Hà Nội phải làm. Vấn đề là phải tính toán cẩn thận để có thể làm tốt. Mọi khả năng đều có thể được nếu tính bài toán quy hoạch theo nguyên tắc phân tích chi phí lợi ích. Thường bài toán định cư giản dị nhất là tìm cách tái định cư tại chỗ bằng những không gian ở khác hiện đại hơn nhằm giải quyết không phải di cư.

Như kinh nghiệm các nước phát triển trên thế giới là vốn hóa đất đai tại chỗ. Nghĩa là quy hoạch lại và lấy ý kiến đồng thuận của dân tại đấy. Sau đó chính thức thu lợi từ bán đất với những mảnh đất sau khi quy hoạch thừa ra để lấy kinh phí này thực hiện dự án. Nó làm chi phí cho dự án thấp đi nhiều vì một lượng vốn rất lớn lấy từ việc bán đất, đấu giá đất tại dự án đó. Khi có dự án cải tạo thì đất tại đó trở nên có giá trị cao khi đó có thể bù lại để cải tạo nhà cho người dân, hoặc người dân có thể góp một phần đất của mình và lấy số tiền đó cải tạo nhà.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 336-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về nghiên cứu lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng. Theo đó, đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP tại Báo cáo số 267-BC/BCS, ngày 16/8/2016 về nghiên cứu lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng. Kinh phí lập quy hoạch do 3 DN tài trợ.

KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh: “Muốn bất cứ vấn đề gì thành hiện thực đều cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Dự án Trấn sông Hồng chưa triển khai được vì thiếu một trong ba yếu tố đó. Hiện tại thiên thời, địa lợi đã có nhưng làm cách nào để nhân hòa? Là do tài năng của người làm ra bản quy hoạch cũng như là người phê duyệt nó. Về phía người dân, việc hy vọng về TP hai bên bờ sông Hồng là hoàn toàn chính đáng. Nếu không làm được việc đấy thì người dân tiếp tục có ý kiến để đóng góp xây dựng ước mơ đó nhanh hiện thực”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần