Lễ trao giải thưởng Oscar 2017: Khi điện ảnh bị “chính trị hóa”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ trao giải thưởng Oscar lần thứ 89 khiến cả thế giới “ngỡ ngàng” trước sự cố hy hữu khi huyền thoại điện ảnh Warren Beatty cầm nhầm phong bì giải “Phim truyện xuất sắc nhất”.

 Khoảnh khắc cả khán phòng ngỡ ngàng với màn xướng tên nhầm của hạng mục "Phim truyện xuất sắc nhất" của Oscar 2017.

Sự cố hy hữu

Giây phút chiến thắng của Moonlight - thước phim chân thật về cuộc đời một người đàn ông da màu đồng tính, đánh dấu một khoảnh khắc hy hữu của Oscar 2017 nói riêng và trong lịch sử giải thưởng này nói chung, khi người công bố giải thưởng đã nhầm lẫn xướng tên La La Land ở hạng mục quan trọng này. Dù đã được “đính chính”, song vài phút sai sót này vẫn khiến cả hội trường một phen “bàng hoàng”. Sự cố hy hữu trên được giới truyền thông ví như “một bản sao” của lễ trao vương miện Hoa Hậu Hoàn vũ thế giới năm 2015.

Bước vào lễ trao giải của Oscar lần thứ 89, La La Land được xem như ứng viên hàng đầu với con số đề cử kỷ lục lên đến 14. Vượt qua nhiều “đối thủ đáng gờm”, với thông điệp - cuộc sống không toàn màu hồng, La La Land đã giành chiến thắng ở những mục quan trọng như Thiết kế sản xuất xuất sắc, Nhạc phim xuất sắc, Ca khúc trong phim xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc. Liên tục ẵm về nhiều giải thưởng danh giá, những tưởng La La Land sẽ thu về tay giải thưởng “Phim truyện xuất sắc nhất” của Oscar 2017. Tuy nhiên, “cái kết” mà La La Land nhận được không khác với 2 nhân vật chính Sebastian và Mia trong phim. Sau thời khắc hạnh phúc là niềm đau khó lòng lý giải thành lời.

“Chính trị hóa”

Trong lễ trao giải Oscar lần thứ 89, Mahershala Ali bất ngờ giành được giải Oscar cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim điện ảnh Moonlight, khiến thế giới ngỡ ngàng, bởi lẽ đây là diễn viên Hồi giáo đầu tiên giành giải trong suốt lịch sử 89 năm của giải thưởng danh giá này. Nhất là trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh cấm nhập cư đối với 7 nước Hồi giáo cách đây ít lâu. Giải thưởng của Mahershala Ali cũng là lời tuyên bố hùng hồn của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ rằng, nghệ thuật và chính trị là hai thứ hoàn toàn tách biệt cũng như đánh mạnh vào sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo mạnh mẽ tại nước Mỹ những ngày gần đây.

Tuy nhiên, Oscar năm nay được cho là đã bị “chính trị hóa”, khi người dẫn chương trình Jimmy Kimmel của buổi lễ đã nhắc tới tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Kimmel châm biếm, ông Trump - người đã đưa ra các quan điểm chống dân nhập cư trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, cũng như sắc lệnh ngăn cản người nhập cư ngay sau khi nhậm chức. “Tôi muốn nói lời cảm ơn tới Tổng thống Trump. Hãy nhớ lại năm ngoái, dường như Oscar là một giải có tính chất phân biệt chủng tộc. Điều đó đã thay đổi, nhờ có ông ấy”, ông Kimmel pha trò.

Trong khi tác phẩm The Salesman nhận giải “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, song đạo diễn người Iran - Asghar Farhadi lại không có mặt để nhận tượng vàng để tỏ thái độ chống lại các chính sách gây chia rẽ của tân Tổng thống Mỹ. Ban đầu, The Salesman không chiếm ưu thế trên đường đua Oscar so với tác phẩm Toni Erdmann của Đức. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống Donald Trump được ban hành, nhiều thành viên Viện Hàn Lâm đã bầu chọn cho The Salesman, qua đó dùng lá phiếu để bày tỏ sự phản đối với sắc lệnh của ông Trump. Các đề cử đa dạng của năm nay đã phản ánh một sự thay đổi đáng kể của giải thưởng danh giá này khi từng nảy ra cuộc tranh cãi trong vòng 2 năm qua rằng Oscar chỉ dành cho người da trắng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần