Lệnh trừng phạt chống Nga gây tổn thất lớn cho EU

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, "tính đến hiện tại, thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga của EU đã lên tới hàng tỷ euro".

Ngoại trưởng Sergey Lavrov.

Ngoại trưởng Lavrov hôm 18/7 tuyên bố chính sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm làm cản trở phát triển kinh tế và công nghệ của Nga cuối cùng đã gây những tổn thất lớn đối với các nước châu Âu.
"Thực tế đã minh chứng một cách rõ ràng: Chính sách trừng phạt nhằm cản trở sự phát triển kinh tế và công nghệ của Nga, đã gây ra những  tác động tiêu cực cho các DN châu Âu cũng như người tiêu dùng châu Âu", Bộ trưởng Lavrov phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Đối thoại Petersburg hôm 18/7.
"Cho đến hôm nay, thiệt hại đã lên tới hàng tỷ euro. Theo tôi được biết, Ủy ban về Quan hệ kinh tế Đông Âu có một nghiên cứu về vấn đề này” - ông Lavrov cho hay.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, "các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp" chống Moscow cũng đã làm hạn chế những thay đổi tích cực và triển vọng hợp tác giữa Nga và Đức.
Ngoại trưởng Lavrov tái khẳng định, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga để phản ứng sự ủng hộ của Nga đối với những người dân sống ở vùng Crimea và Donbass.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga từ năm 2016, đồng thời gia hạn lệnh cấm vận 6 tháng một lần cho đến hiện tại. Theo đó, các cuộc thảo luận về du lịch miễn thị thực và thỏa thuận hợp tác khung mới đã bị đình chỉ, một số quan chức Nga đã bị cấm vào EU và bị đóng băng tài sản. Ngoài ra, EU cũng  áp đặt các biện pháp hạn chế liên quan đến lĩnh vực thương mại, tài chính và quốc phòng.
Hôm 18/7 Diễn đàn Đối thoại Petersburg - một sự kiện thường niên do Nga và Đức chủ trì đã khai mạc tại Petersburg, một thị trấn gần TP Bonn của Đức.
Diễn đàn Đối thoại Petersburg, vốn được thành lập năm 2001 theo sáng kiến ​​của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, nhằm thúc đẩy trao đổi cởi mở về quan điểm giữa các chính trị gia, các nhà khoa khoa học và văn hóa cũng như giới doanh nhân hai nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần