Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran khiến sản lượng dầu của OPEC sụt giảm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sản lượng dầu của OPEC giảm 11.000 thùng/ngày, xuống 32,97 triệu thùng/ngày trong tháng 11 sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran chính thức có hiệu lực.

Sản lượng dầu mỏ của các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu Mỏ (OPEC) giảm trong tháng trước do nguồn cung dầu của Iran sụt giảm đã lấn át đà tăng mạnh của sản lượng “vàng đen” từ Ả Rập Saudi.
Theo báo cáo của OPEC, trong tháng 11/2018, sản lượng dầu của các nước thành viên giảm 11.000 thùng/ngày xuống 32,965 triệu thùng/ngày.
 Sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 11.
Ả Rập Saudi đã bơm hơn 11 triệu thùng/ngày, trong đó sản lượng tháng 11 tăng thêm khoảng 377.000 thùng/ngày. Sản lượng dầu của nước này sẽ giảm trong 2 tháng tới.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết ông hy vọng sản lượng sẽ giảm xuống 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019.
Đà tăng sản lượng của Ả Rập Saudi bị lấn át bởi mức sụt giảm 380.000 thùng/ngày của Iran trong bối cảnh nước này đang chật vật đối phó với lệnh trừng phạt từ phía Mỹ - vốn có hiệu lực từ ngày 5/11. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Iran rớt mức 3 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 1/2016 - thời điểm các lệnh trừng phạt quốc tế áp đối với Iran được dỡ bỏ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait cũng nâng sản lượng trong tháng trước, nhưng mức tăng cũng bị lấn át bởi lượng cung suy yếu từ Iran, Gabon, Libya, NigeriaVenezuela. Các quốc gia thành viên khác của OPEC gần như giữ nguyên sản lượng.
Báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất của OPEC được công bố chỉ vài ngày sau khi tổ chức cùng với 10 nước xuất khẩu dầu khác, dẫn đầu là Nga, đạt thỏa thuận cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Riêng các nước OPEC sẽ cắt giảm 800.000 thùng/ngày. Sau đó, tới tháng 4/2019, các nước trong và ngoài OPEC sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả của thỏa thuận cắt giảm này.
Quyết định cắt giảm sản lượng được đưa ra nhằm kéo giá dầu đi lên sau khi liên tục lao dốc kể từ tháng 10/2018 do lo ngại thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung  trong năm 2019.
Ngoài ra, đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại ở các quốc gia tiêu thụ dầu cũng tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu năng lượng trong năm tới.
“Sau khởi đầu tốt lành trong năm 2018, nền kinh tế thế giới đánh dấu sự phân kỳ ngày càng mạnh trong xu hướng tăng trưởng”, báo cáo của OPEC nêu rõ.
OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2019 ở mức 1,29 triệu thùng/ngày, sau khi hạ dự báo trong mỗi báo cáo của 4 tháng vừa qua. Trong năm 2018, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày.
Cũng trong báo cáo, OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2019 so với dự báo trong tháng trước đó, giữa bối cảnh các đối thủ tăng sản lượng và tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại làm suy giảm nhu cầu về dầu mỏ.
 Ả Rập Saudi đã bơm hơn 11 triệu thùng/ngày trong tháng 11.
OPEC hạ dự báo tăng trưởng sản lượng năm 2019 của các quốc gia ngoài OPEC bớt 80.000 thùng/ngày. Điều này chủ yếu là do các đợt cắt giảm sản lượng bắt buộc ở Alberta, Canada, và thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC và 10 quốc gia khác.
Tuy nhiên, OPEC dự báo nguồn cung dầu từ các quốc gia không thuộc OPEC sẽ tăng 2,16 triệu thùng/ngày vào năm tới, nhờ đà tăng sản lượng từ Mỹ, Brazil, Nga và Anh.
Theo ước tính của OPEC, sản lượng của những quốc gia này tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Khi đà tăng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ vượt trội triển vọng nhu cầu, OPEC kỳ vọng bơm 31,4 triệu thùng/ngày vào năm tới, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2018. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần