Lịch sử lặp lại

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy khả năng tổng thống đương nhiệm bị phế truất hiện gần như không thấy, quốc hội Mỹ vẫn tiến hành luận tội tổng thống nước này Donald Trump.

Vậy là lịch sử đang lặp lại ở nước Mỹ. Năm 1868, tổng thống Mỹ Andrew Johnson là trường hợp đầy tiên. Năm 1998, tổng thống Mỹ Bill Clinton là trường hợp thứ hai.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump

Và bây giờ đến lượt ông Trump. Cả ông Johnson và ông Clinton đều không bị phế truất do trong thượng viện Mỹ không có đủ đa số ít nhất hai phần ba cần thiết biểu quyết phế truất tổng thống đương nhiệm. Cả đối với ông Trump, kết quả rồi cũng sẽ vậy bởi phe Đảng Cộng hoà hiện chiếm đa số trong thượng viện Mỹ không những không buông bỏ ông Trump mà còn phải bám vào ông Trump nếu muốn duy trì đa số trong thượng viện và người của đảng này vẫn làm chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội diễn ra vào đầu tháng 11 năm nay ở nước Mỹ. Ông Trump thoát nạn lần này không phải vì chứng cứ và buộc tội từ phía Đảng Dân chủ không đủ mạnh, cụ thể và xác đáng mà vì người này đã kiểm soát và chi phối phe Đảng Cộng hoà đến mức tương lai chính trị và quyền lực của đảng này cùng nổi cùng chìm với tương lai chính trị và vị thế quyền lực của cá nhân ông Trump.

Lịch sử sẽ lặp lại như thế ở nước Mỹ. Nhưng như thế không có nghĩa là vụ việc này chẳng gây tác hại nào đối với nước Mỹ. Tổng thống đương nhiệm bị phế truất luôn là chuyện tày đình ở mọi quốc gia và luôn phản ánh tình trạng chính trị quyền lực không bình thường ở quốc gia đó. Thế giới bên ngoài giờ buộc phải nhìn nhận nước Mỹ với con mắt khác. Nước Mỹ hiện giờ chẳng khác gì đang tự vạch áo cho người xem lưng.

Đối với ông Trump, rủi ro bị quốc hội phế truất hiện tuy rất nhỏ nhưng vẫn không phải không có. Cho nên diễn biễn của quá trình quốc hội phế truất tổng thống vẫn tác động mạnh mẽ tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sắp tới ở nước Mỹ theo hướng bất lợi nhiều hơn là có lợi cho ông Trump và phe Đảng Cộng hoà Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần