Lịch sử người Việt trên quần đảo Trường Sa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời tiết oi bức, nắng và gió biển bỏng rát da thịt, đoàn chuyên gia Viện Khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu vết văn hóa thuộc quần đảo Trường Sa. Những tư liệu quý và quan trọng này đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Biển Đông.

Khai quật tại đảo Nam Yết.
Dấu ấn trên Biển Đông
Ngày 26/12, Viện Khảo cổ học đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1968 - 2018). Theo TS Nguyễn Gia Đối – quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, một trong những đóng góp quan trọng của Viện là cung cấp nguồn sử liệu vật có giá trị khoa học chân xác, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Tiêu biểu là Chương trình nghiên cứu khảo cổ học Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ.

Riêng tại Trường Sa, năm 1993, Viện Khảo cổ học đã tiến hành công tác điều tra, thám sát và đã phát hiện dấu vết tầng văn hóa và hiện vật khảo cổ ở đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết. Những phát hiện khảo cổ học về dấu vết văn hóa Sa Huỳnh muộn Chăm Pa sớm, hiện vật thời Trần và Lê - Nguyễn tại các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây… thuộc quần đảo Trường Sa đã khẳng định sự có mặt rất sớm và liên tục của người Việt tại quần đảo Trường Sa.

Trong chuyến đi khai quật này, sau khi kết thúc một hố khai quật khảo cổ tại đảo Trường Sa Lớn, các nhà khảo cổ đã phát hiện một tấm bia thời Ngụy quyền Sài Gòn. Bia bị chìm sâu xuống mặt đất, chỉ nhô lên phần đầu, đã bị vỡ thành nhiều mảnh. Đỉnh bia không còn, nếu không được sửa chữa và phục hồi, chỉ thời gian ngắn, bia sẽ bị vỡ nên đoàn quyết định phục hồi lại. Đồng thời, trên đảo Nam Yết, cũng có một bia chủ quyền với hình dáng giống bia ở đảo Trường Sa Lớn. Một thời, bia được dùng làm bể dự trữ nước ngọt, nay đã bỏ, bên trong chứa nhiều cục bê tông, cây củi và cỏ rác.

PGS.TS Lại Văn Tới – Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: Công việc phục hồi lại bia Nam Yết mất rất nhiều thời gian và công sức. Thời tiết oi, nắng và gió biển rát bỏng da thịt, nhưng cả đoàn đều miệt mài lao động. Khi được phá bỏ các lớp xi măng trát bên ngoài và dưới chân, bia Nam Yết có đế rộng hơn thân dưới khoảng 10 - 15cm, một mặt khắc chữ in đứng sâu vào mặt bia, một mặt có hình 2 mỏ neo đặt chéo nhau, cũng khắc chìm sâu vào mặt bia. Nét chữ và hình mỏ neo đều được tô sơn đỏ nâu. Sau khi làm sạch, mặt ghi chữ có nội dung: “Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 21 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”, dòng dưới khắc cùng kiểu chữ trên, nhưng lớn hơn: “Hải quân Việt Nam”. Năm 2014, Bộ VHTT&DL đã ra quyết định xếp hạng di tích “Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết” là di tích lịch sử cấp Quốc gia. "Chỉ đến khi chúng tôi có mặt tại đảo, bộ đội mới biết được những bia này là di tích lịch sử, là dấu mốc chứng minh sự quản lý của Nhà nước Việt Nam tại những đảo này trên quần đảo Trường Sa" - PGS.TS Lại Văn Tới chia sẻ.

Khẳng định chủ quyền biển đảo

Trong các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật thể hiện sự có mặt liên tục của người Việt tại quần đảo Trường Sa. Trên đảo Trường Sa Lớn, đã phát hiện những mảnh gốm thô có chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác tương tự như đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh phân bố rộng ở đất liền, miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, có niên đại tương đương với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ và văn hóa Dốc Chùa ở Nam Bộ.

Cùng với gốm thô Sa Huỳnh, trên đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, chúng ta đã phát hiện được đồ gốm sứ Việt Nam thuộc 2 giai đoạn: Trước thế kỷ XV và sau thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Theo PGS.TS Lại Văn Tới: “Những tư liệu khảo cổ học trên quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ đã đưa lại những kết quả to lớn. Chúng ta đã tìm thấy những chứng cứ khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển cả của cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong lịch sử. Những tư liệu này góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam tại Biển Đông”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần