Liên Hợp quốc kêu gọi quân đội Myanmar ngay lập tức bãi bỏ tình trạng khẩn cấp

Nguyễn Phương (Theo UN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Myanmar kêu gọi quân đội Myanmar bãi bỏ tình trạng khẩn cấp và trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị bắt giữ hôm 1/2.

Ngày 2/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đã họp về tình hình chính biến tại Myanmar hôm 1/2, khi quân đội bắt giữ nhiều lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.
Liên Hợp quốc khẳng định việc quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp là vi hiến.
Đặc phái viên của LHQ tại Myanmar Christine Schraner Burgener đã báo cáo tóm tắt trước Hội đồng Bảo an LHQ về việc quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những lãnh đạo khác vì "gian lận bầu cử", trao quyền cho người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing cũng như áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm, cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Bà Burgener đã kịch liệt lên án vụ bắt giữ bà Suu Kyi và nhiều quan chức Myanmar của lực lượng quân đội nước này. Bà cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ cần "cùng gửi rõ thông điệp ủng hộ dân chủ tại Myanmar" và đảm bảo quốc gia này không rơi vào tình cảnh bị cô lập như trước đây.
"Hơn bao giờ hết, sự thống nhất của Hội đồng Bảo an LHQ là rất quan trọng. Tôi cực lực lên án những bước đi gần đây của quân đội và kêu gọi tất cả các bạn cùng nhau gửi một tín hiệu rõ ràng ủng hộ nền dân chủ ở Myanmar” – Đặc phái viên LHQ Burgener cho hay.
Bà Burgener cũng khẳng định chiến thắng của đảng NLD khi đã giành được hơn 82% số ghế tại Quốc hội, điều này đã “phản ánh ý chí rõ ràng của người dân Myanmar trong việc tiếp tục con đường cải cách dân chủ đã thắng lợi”.
Bà Schraner Burgener cũng khẳng định: “Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp và bắt giữ các lãnh đạo dân sự là vi hiến và bất hợp pháp. Đề xuất của quân đội về việc tổ chức bầu cử một lần nữa cần được bác bỏ".
Theo Đặc phái viên LHQ, thời điểm này, phải đảm bảo an toàn cho người dân Myanmar và các quyền cơ bản của họ cũng như ngăn bạo lực bùng phát.
Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ ở Myanmar, đồng thời khẳng định những nỗ lực phá hoại nền dân chủ và pháp quyền là không thể chấp nhận được.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân cử và thành viên đảng NLD, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Cả nước được đặt trong tình trạng khẩn cấp, kéo dài 1 năm. Toàn bộ quyền lực của các nhánh lập pháp, tư pháp và chính phủ được trao cho Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing.
Đảng NLD của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020, chiếm 83% số ghế ở Quốc hội.
Tuy nhiên, đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) đối lập với sự ủng hộ của quân đội tuyên bố không chấp nhận kết quả này và khẳng định có gian lận. Họ quyết định giành kiểm soát để bảo vệ hiến pháp năm 2008 vì Ủy ban Bầu cử Liên bang không chấp nhận xử lý cáo buộc gian lận. Kỳ họp của quốc hội mới cũng được tạm hoãn. Đài truyền hình thân quân đội cho biết Myanmar có thể tổ chức bầu cử lại vào năm 2022./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần