Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị: Gỡ khó từ chính sách

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn phát triển ngành chăn nuôi bền vững cần giải quyết tốt bài toán cung cầu và an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được xem là khâu then chốt.

Hội thảo “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/12 đã đưa ra nhiều giải pháp về vấn đề này. 
Nhiều rào cản liên kết

Tại khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Công Danh là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi lợn sữa xuất khẩu. Hiện mỗi ngày đơn vị này giết mổ từ 3.000 - 5.000 con lợn sữa và 200 - 300 lợn choai. Thông qua việc liên kết với các hợp tác xã, khâu trung gian được giảm bớt giúp người chăn nuôi lợn sữa được hưởng lợi thêm 15.000 - 20.000 đồng/con (tương đương từ 300.000 - 400.000 đồng/lợn nái/năm). Việc liên kết cũng giúp người chăn nuôi gia tăng năng suất từ 5 - 10% thông qua tập huấn, chuyển giao khoa học… so với tự sản xuất. Dù vậy, Công ty TNHH Công Danh chỉ là một trong số không nhiều đơn vị có mô hình liên kết chăn nuôi đang phát huy hiệu quả.

Chăm sóc lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai.  Ảnh: Lâm Nguyễn

Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cả nước hiện mới phát triển được 350 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đối với TP Hà Nội, bước đầu đã xây dựng được khoảng 60 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó, mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Không chỉ vậy, nhiều mô hình chỉ hoạt động trên danh nghĩa, không có hợp đồng, thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích - rủi ro…

Theo nghiên cứu, khảo sát của Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn - IPSARD (Bộ NN&PTNT), khó khăn trong liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị hiện nay là thị trường thiếu ổn định, thói quen tiêu dùng của người dân. Việc liên kết sản xuất đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn của các DN còn nhiều thủ tục. Đặc biệt, chi phí sản xuất sạch lớn, nhưng giá trị sản phẩm tiêu thụ chưa cao, khó khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư...

Tổ chức lại sản xuất

Ngành chăn nuôi sau hơn 20 năm hội nhập và phát triển đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sau quá trình phát triển nóng đang nảy sinh những bất cập, mà nổi cộm là vấn đề kiểm soát cung cầu và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Lấy ví dụ từ thiệt hại mà ngành chăn nuôi lợn giai đoạn đầu năm 2017 phải gánh chịu, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi còn yếu. Theo ông Dương, năng lực sản xuất của Việt Nam là dư thừa, tuy nhiên, giết mổ, chế biến và kết nối lại rất yếu. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi là vấn đề then chốt.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (IPSARD) Hoàng Vũ Quang cho rằng, để thúc đẩy các mô hình liên kết, còn cần quy hoạch ổn định vùng chăn nuôi. Đây là điều kiện cần để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển ngành chăn nuôi. Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi thông qua ưu đãi tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nông sản… Cùng với đó là thúc đẩy các giải pháp về thị trường như hỗ trợ DN, hợp tác xã tham gia chương trình bình ổn giá, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm…

Đối với định hướng cụ thể của Hà Nội nhằm phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong những năm tới, sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng thúc đẩy liên kết với trọng tâm là sản xuất giống và sản phẩm chế biến. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó là tăng cường liên kết vùng trong sản xuất - tiêu thụ nông sản với các địa phương nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của thị trường Thủ đô.
Nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn chỉ ra, mức độ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị của Việt Nam đạt rất thấp. Tỷ trọng sản lượng liên kết của các DN được khảo sát đối với 4 sản phẩm chăn nuôi: Sữa, gà thịt, lợn thịt và trứng gà, chỉ đạt lần lượt: 45%; 3,7%; 4,2% và 0,2% (so với tổng sản lượng cả nước).