Liên kết dạy tiếng Anh trong trường công lập Hà Nội: Quy rõ trách nhiệm của hiệu trưởng

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát thực tế chương trình liên kết dạy tiếng Anh trong các trường công lập tại Hà Nội của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP từ 13 - 15/3 cho thấy, 100% học sinh (HS) theo học chương trình liên kết.

Tuy nhiên, băn khoăn về mức thu khác nhau, trình độ giáo viên (GV) bản ngữ... vẫn tồn tại.
Học sinh thích học liên kết
Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) có 1.451/1.453 HS theo học chương trình liên kết dạy tiếng Anh, trường THCS Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cũng có tới 86% HS theo học chương trình, trường Tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên) chỉ có 4 trong tổng số 1.715 HS không học chương trình này... Con số thống kê phần nào cho thấy HS khá nhiệt tình với chương trình liên kết dạy tiếng Anh trong trường. Bà Vương Giang Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cũng đánh giá, chương trình liên kết mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc học tập ngoại ngữ, văn hóa, kỹ năng cho HS. Các em được học trực tiếp với GV nước ngoài và tham gia các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề như Giáng sinh, Lễ hội hóa trang... HS tự tin trong giao tiếp, được rèn phản xạ và tư duy bằng tiếng Anh, từ đó hình thành phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả.

Giờ học tiếng Anh liên kết tại trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thu Anh

Bản thân HS cũng cảm thấy hào hứng với cách dạy và học của chương trình liên kết. Em Bùi Minh, HS lớp 6A1, trường THCS Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết, so với học ngoại ngữ chính khóa của Bộ GD&ĐT (GV người Việt dạy), học tiếng Anh liên kết (GV nước ngoài dạy) sôi động hơn, truyền cảm hứng bằng nhiều hình thức thông qua trò chơi, hình minh họa sinh động…
Mỗi nơi một mức học phí
"Nhà nhà" học liên kết như vậy, nên cũng nảy sinh tình trạng "trăm hoa đua nở" trung tâm ngoại ngữ liên kết với trường học. Đi kèm với đó là những điều tiếng về mức chênh lệch các khoản thu và câu hỏi chất lượng dạy học.
Thực tế khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội cho thấy, có những điểm đúng như phản ánh của truyền thông, cụ thể học phí mỗi nơi một khác, nơi 700.000 đồng, nhưng có nơi chỉ 150.000 đồng/HS/tháng. Thậm chí học phí ở trường khu vực ngoại thành cao hơn nội thành, như một trường mầm non ở huyện Thanh Trì thu tới 400.000 đồng/HS/tháng. Mức chênh lệch này khiến phụ huynh so sánh, thắc mắc. Ngoài ra, phần trăm trung tâm liên kết chia cho các trường cũng rất nhiều mức: 60 - 40, 82 - 18, có nơi 93 - 7. Dù mức học phí và phần trăm trích lại được các hiệu trưởng giải thích trên cơ sở tính toán thu đủ chi, nhưng phụ huynh sẽ không hiểu.
Bà Đỗ Thùy Dương - thành viên đoàn khảo sát cho rằng, với mức học phí chênh lệch như vậy, các cấp quản lý cần làm rõ thông tin, giúp phụ huynh yên tâm khi cho con học các chương trình này. Hơn nữa, liệu có đánh giá, xếp hạng nào đối với các trung tâm tham gia liên kết dạy tiếng Anh trong các nhà trường để phụ huynh căn cứ vào đó để xác định mức đóng góp phù hợp? Còn ông Trần Thế Cương - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội cho rằng: "Chất lượng học tiếng Anh của HS tốt hay không, trung tâm nào được liên kết với nhà trường đều do hiệu trưởng quyết định. Do vậy, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình liên kết trong nhà trường. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT, các cấp quản lý tăng cường kiểm tra, quy trách nhiệm rõ với hiệu trưởng các trường”.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho hay: "Sở chịu trách nhiệm thẩm định khung chương trình liên kết với nhà trường. Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc liên kết này, trung tâm chỉ có vai trò hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. Nếu hiệu trưởng không đủ năng lực quản lý thì chưa nên triển khai chương trình liên kết dạy ngoại ngữ". Cuối tháng 3 này, Sở GD&ĐT sẽ khảo sát ngẫu nhiên 20% HS trên toàn TP tham gia chương trình liên kết tiếng Anh để đánh giá việc dạy và học trong các trường.
Để 100% HS được học ngoại ngữ theo Kế hoạch 90/KH-UBND của UBND TP về nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho GV, HS phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên theo đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, cần xem xét tăng biên chế GV, đặc biệt là GV tiểu học; giáo trình của các trung tâm ngoại ngữ cần có sự kiểm định; GV bản địa cần tăng thời gian ký kết giảng dạy và sớm chỉ đạo mức thu học phí trên toàn TP".
Ông Trần Thế Cương - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần