Liên kết giữa sản xuất và chế biến hạt điều còn hạn chế

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ NN&PTNT vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh về triển khai các giải pháp phát triển ngành điều bền vững trong năm 2017.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong thời gian qua, ngành điều có những chuyển biến tích cực, các địa phương quan tâm chỉ đạo trong phát triển điều bền vững, đẩy mạnh thâm canh, trồng thay thế và ghép cải tạo vườn điều. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điều tăng khá, giá cả thị trường ổn định. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, có mưa trái mùa, sâu bệnh hại phát triển đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng điều. Đặc biệt, liên kết phát triển vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến điều còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa đạt được như mong đợi.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Để thúc đẩy phát triển điều bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách. Cụ thể, Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điều và một số địa phương trồng điều xây dựng kế hoạch phát triển giống điều phục vụ trồng thay thế, ghép cải tạo vườn điều. Cục Bảo vệ thực vật đẩy mạnh công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây điều. Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục chỉ đạo hệ thống khuyến nông phối hợp ngành Bảo vệ thực vật địa phương, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức xây dựng mô hình liên kết giữa người sản xuất với nhà máy chế biến điều theo chuỗi giá trị.

Đối với Sở NN&PTNT các địa phương có trồng điều, tập trung rà soát diện tích tiếp tục thâm canh, diện tích cần trồng dặm, diện tích trồng thay thế, diện tích có thể ghép cải tạo để chuẩn bị nguồn giống. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ để đẩy mạnh thâm canh, trồng thay thế và ghép cải tạo vườn điều, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp thực hiện có hiệu quả hàng năm.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2017, khối lượng xuất khẩu hạt điều đạt 112.000 tấn với giá trị 1,1 tỷ USD, giảm 9,5% về khối lượng nhưng tăng 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 9.407 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,3%, 14,8% và 13,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.