Liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản: Cách làm đúng, trúng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên kết tiêu thụ nông sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp giữa Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội và HND 16 tỉnh, TP phía Bắc.

Hoạt động này đã góp phần không nhỏ giúp mở rộng đầu ra cho nông sản an toàn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Lợi ích đã rõ
Đây là năm thứ tư HND Hà Nội và HND các tỉnh, TP triển khai chương trình phối hợp với mục tiêu chính là liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo ông Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch HND TP Hà Nội, với lợi thế trên 10 triệu dân đang sinh sống, học tập và làm việc và là nơi tập trung các cơ quan T.Ư, tổ chức quốc tế, diễn ra nhiều sự kiện quốc gia, quốc tế nên Hà Nội là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và tiềm năng. Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ của TP chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập nông sản từ các tỉnh bạn. Điều này cho thấy hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh là cách làm đúng và trúng.
Nông sản an toàn Hà Nam được giới thiệu tại Hà Nội.   Ảnh: Ánh Ngọc
Là địa phương tiếp giáp với Hà Nội, tỉnh Hòa Bình có quỹ đất “sạch” lớn phù hợp với sản xuất hữu cơ nên những năm gần đây ngày càng nhiều nông dân, chủ DN ở Hà Nội đầu tư sản xuất nông nghiệp ở địa phương này với hình thức góp vốn 50 - 50. Hiện, trung bình mỗi năm Hòa Bình cung cấp cho thị trường Hà Nội 600.000 tấn cam, 10.000 tấn thủy sản cùng nhiều sản phẩm trâu, bò, gà bản địa. Còn tỉnh Bắc Ninh đang là đầu mối cung cấp sản phẩm rau, củ, quả cho 20 trường học tại 2 huyện Gia Lâm và Đông Anh của Hà Nội.
Thời gian qua, HND TP Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, quảng bá nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh tại thị trường Thủ đô. Cùng với đó, HND các tỉnh, TP cũng giới thiệu nhiều cơ sở cung cấp nông sản an toàn có chứng nhận chất lượng, nhãn mác hàng hóa, tem nhận diện trực tiếp đưa vào tiêu thụ tại các điểm bán hàng, siêu thị tại Hà Nội. Tiêu biểu như HND tỉnh Quảng Ninh kết nối 14 cơ sở, địa chỉ uy tín về cung cấp các đặc sản chả mực, dầu ăn, hải sản, nấm linh chi... cho hệ thống siêu thị Big C, Metro tại Hà Nội.
Siết chặt kiểm soát ATTP
Liên kết tiêu thụ nông sản là giải pháp hỗ trợ nông dân hữu hiệu và lâu dài bởi không một tỉnh, TP nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề này. Vì vậy, với tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội", Hà Nội và các tỉnh đã và đang đẩy mạnh mở rộng liên kết vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm tạo cơ hội cho nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng đầu ra cho nông sản. Đặc biệt, Hà Nội và các tỉnh đều chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.
Tuy nhiên, để hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh, TP cần kiểm soát tốt chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản cũng như chất lượng vệ sinh ATTP đầu vào của nông sản để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân. Mặt khác, với vai trò là đầu tàu, Hà Nội cần tăng cường kết nối với hệ thống bán lẻ, kênh siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn để tiêu thụ nông sản ổn định, lâu dài cho các tỉnh, TP. Đây cũng là giải pháp để nông dân hiểu rõ sự cấp thiết phải thay đổi tư duy sản xuất tạo ra sản phẩm đảm bảo ATTP mới có thể tiếp cận với thị trường Thủ đô.
Lãnh đạo TP cho biết, trong năm 2017, Hà Nội ưu tiên đầu tư cho ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Do đó, HND các cấp có vai trò quan trọng trong việc vận động nông dân tích cực sản xuất, hỗ trợ nông dân chuyển giao công nghệ và ứng dụng trong sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần