Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản: Hướng phát triển cho hợp tác xã

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách thúc đẩy hợp tác liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu nhà kính sản xuất rau sạch của HTX Tân Tiến, Đà Lạt. Ảnh: Thành Chung
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì, cùng đại diện các sở, ngành tham dự tại đầu cầu Hà Nội.
Nông dân, doanh nghiệp cùng… chơi vơi

Tính đến hết quý II/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.696 HTX với khoảng 4,15 triệu thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các tỉnh, TP đã thành lập mới 1.143 HTX nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp kiểu mới phát triển khá đa dạng. Nhiều HTX hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng miền, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm.
Hai năm qua, số lượng DN nông nghiệp đã tăng hơn 2,2 lần, nhưng con số này không thể “với” tới hết 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần có sự liên kết trong phát triển nguyên liệu, chế biến, mở rộng thị trường thông qua HTX. Các HTX phải là hạt nhân để liên kết với các DN nhằm tạo nên một chu trình sản xuất khép kín.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Tuy nhiên, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả dù có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Kết quả phân loại 9.266 HTX nông nghiệp năm 2017 của Bộ NN&PTNT cho thấy, số HTX hoạt động tốt chỉ chiếm 12%, 34,3% hoạt động khá, 41,3% hoạt động ở mức trung bình và 12,4% (tương ứng 1.143 HTX) hoạt động yếu. Liên kết chuỗi giá trị giúp tăng từ 17 - 25% thu nhập cho người sản xuất, nhưng quy mô liên kết còn nhiều hạn chế. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu diễn ra giữa người nông dân với hộ kinh doanh, DN; số HTX tham gia liên kết còn ít…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất nông nghiệp của nước ta rất lớn nhưng chuỗi giá trị nông nghiệp chưa sâu, còn lệ thuộc nhiều vào thị trường và tiêu thụ vẫn bấp bênh. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do khâu liên kết sản xuất rời rạc, thiếu nhân tố HTX, dẫn đến nông dân chơi vơi, DN cũng... chơi vơi.

Không liên kết, nông dân sẽ thiệt thòi

Có thể thấy, sau nhiều nỗ lực của các cấp, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, trong điều kiện thị trường mất cân xứng, “triệu người bán, vạn người mua” hiện nay, kinh tế hộ cần phát triển theo mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới, bởi nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt thòi.

Đề cập đến việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động, bổ sung các giải pháp lồng ghép nguồn lực, phân loại HTX để có phương hướng phát triển phù hợp.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài nguồn vốn ngân sách thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đối với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT và các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các HTX, tạo điều kiện để các HTX vay vốn ngân hàng...

Nhấn mạnh vai trò của liên kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý: Dù phát triển theo hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, khắc phục dần tình trạng “được mùa, mất giá”. Cùng với đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, cần đẩy mạnh mô hình tổ hợp tác, bởi đây là nhân tố quan trọng đối với mục tiêu phát triển 15.000 HTX đến năm 2020.