Liên kết trong chăn nuôi: Hiệu quả từ những cái bắt tay

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với DN đang được xem là hướng đi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Hướng đi bền vững
Dù có nhiều lợi thế về diện tích vùng đồi gò, song trước đây, việc chăn nuôi gà thả vườn tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và đầu ra thiếu ổn định. Tháng 3/2015, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn được thành lập nhằm xây dựng chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Tham gia vào tổ chức hội, các hộ chăn nuôi phải ký cam kết sản xuất theo đúng quy trình đồng bộ từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăm sóc và tuổi giết mổ. Ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết, Hội đã tổ chức chăn nuôi, tiêu thụ theo chuỗi cho các gia đình hội viên được 36.000 con gà thương phẩm, tương đương 70 tấn gà lông với giá bán tăng 10% so với trước đây.

Sản phẩm của chuỗi thịt lợn Bảo Châu, huyện Sóc Sơn.  Ảnh: Quang Thiện

Trước gà đồi Sóc Sơn, một trong những chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi có bước tăng trưởng mạnh mẽ và hiệu quả cao là chuỗi trứng gà Tiên Viên, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ. Mô hình được thành lập dựa trên sự liên kết giữa các trang trại chăn nuôi và DN với vị trí trung tâm là Công ty CP Tiên Viên. Triển khai chuỗi liên kết này, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu trứng gà Tiên Viên và ứng dụng thiết bị chuồng kín. Kết quả, ngay trong năm đầu đi vào hoạt động (năm 2012), sản lượng trứng tiêu thụ của chuỗi đạt 45.000 quả trứng/ngày với giá thu mua cao hơn giá thị trường 200 đồng/quả trứng, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế hơn 3 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi. Ông Đặng Đình Tiên – Giám đốc Công ty CP Tiên Viên cho biết, hiện nay, công ty đang liên kết với 15 hộ chăn nuôi vệ tinh tại địa phương và tiêu thụ khoảng 30.000 trứng/ngày cho các hộ. Sản phẩm trứng được xử lý bằng tia cực tím, đóng hộp đảm bảo ATTP và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, việc liên kết các hộ sản xuất với nhau và với DN đã bắt đầu được triển khai từ năm 2008 khi sự cố Melamine trong sữa làm ảnh hưởng xấu đến việc phát triển đàn bò sữa. Tiếp đó, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đã được mở rộng ra nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng như gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt cỏ Vân Đình, thịt lợn sinh học Quốc Oai... Theo thống kê, tổng sản lượng sản phẩm của các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản xuất hàng năm đạt 4.500 tấn thịt lợn, 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29.000 tấn sữa tươi...
Hoàn thiện chuỗi liên kết
Có thể nói, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là một hướng đi bền vững trong bối cảnh nhiều khó khăn, sức ép cạnh tranh đang đè nặng lên ngành chăn nuôi. Trong đó, người nông dân được hỗ trợ tích cực về kỹ thuật sản xuất đảm bảo ATTP và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù vậy, để mở rộng các chuỗi liên kết đang gặp không ít khó khăn do thói quen chăn nuôi tự phát, manh mún vẫn còn khá phổ biến, nhiều nông dân thiếu tính hợp tác và chia sẻ lợi ích. Trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều bất cập bởi các sản phẩm không rõ nguồn ngốc, không đảm bảo chất lượng, không đăng ký nhãn hiệu vẫn được bày bán trên thị trường dẫn đến cạnh tranh không công bằng.
Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết là một hướng đi đúng, tuy nhiên cho đến nay còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN đầu tàu của chuỗi. Theo ông Tường, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới là tiếp tục hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời hoàn thiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gắn với nhãn hiệu chứng nhận để cung cấp cho thị trường Thủ đô các sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, vai trò của DN trong chuỗi mới dừng lại ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng nhỏ lẻ với người chăn nuôi mà chưa có sự hợp tác bài bản từ khâu lên kế hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào, xây dựng nhãn hiệu. Chính vì vậy, cần phải có những DN đầu tàu để xác lập chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện liên kết người chăn nuôi thành tổ hội, nhóm hợp tác nhằm tổ chức lại sản xuất theo quy mô, quy trình chăn nuôi chung, tổ chức hoạt động mua chung – bán chung nhằm giảm chi phí sản xuất, đồng nhất chất lượng sản phẩm. Mặt khác, kết nối các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trực tiếp ký hợp đồng với các trại chăn nuôi nhằm giảm khâu trung gian và kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Hôm nay (17/12), Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập (21/12/2001 – 21/12/2016) và tổng kết Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020. Trong 15 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã làm tốt nhiệm vụ được giao về phát triển, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi trên địa bàn TP, đặc biệt là các đối tượng vật nuôi như lợn, bò thịt, bò sữa, gia cầm... Đến nay, trên địa bàn TP đã hình thành 15 vùng chăn nuôi chuyên canh tập trung và 76 xã chăn nuôi trọng điểm. 

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sản phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi – truy xuất được nguồn gốc”. Để được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này, các đơn vị quản lý chuỗi phải tuân thủ các quy trình chăn nuôi an toàn, có hợp đồng liên kết chuỗi, đầy đủ các giấy tờ pháp lý như vệ sinh thú y, ATTP, có công bố chất lượng sản phẩm và phải có quy trình truy xuất nguồn gốc...
 Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường

Để giải quyết được vấn đề ATTP đối với sản phẩm chăn nuôi, cần phải đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giữa người chăn nuôi với DN tới khâu bán lẻ, phân phối. Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt nhưng chưa được kết nối, giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng. Do đó cần phải kết nối và tạo điều kiện hỗ trợ người sản xuất tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, bán lẻ, mở rộng đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi.
            Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan