Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy: Liên kết vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông

Lê Nam (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, khu vực thì liên kết vùng là yếu tố then chốt để cùng nhau phát triển bền vững, nhất là đối với các tỉnh trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội, khó khăn hơn Hà Nội. Phú Thọ cũng như các tỉnh giáp với Hà Nội, thì tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đặc biệt các sản phẩm nông sản chủ yếu phải tập trung gắn kết tiêu thụ với thành phố Hà Nội, ngoài ra các dịch vụ khác liên quan của các tỉnh cũng tập trung hướng đến Hà Nội.

Phú Thọ đang có những bước phát triển vượt bậc về KT - XH trong những năm gần đây. Ảnh: Báo Phú Thọ.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông
Đối với Phú Thọ là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội với các tỉnh trung du Miền núi phía Bắc, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Phú Thọ có tổng diện tích 3.534,0 km2, dân số khoảng 1,4 triệu người, kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7,5% năm, mục tiêu phấn đấu của tỉnh là trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển liên kết vùng, thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong chỉ đạo đối với các lĩnh vực giao thông vận tải theo hướng kết nối đồng bộ và bảo đảm hài hòa giữa các phương thức vận tải; tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận và nội bộ tỉnh. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, Phú Thọ đã ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngân sách, đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có trên 1.000km đường quốc lộ, tỉnh lộ và 11 cầu lớn bắc qua sông Lô, sông Thao, sông Đà, đã kết cơ bản nối với các tuyến trục giao thông quốc gia tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận.

Trong hợp tác với thành phố Hà Nội trên lĩnh vực giao thông vận tải, tỉnh Phú Thọ đã đạt được các kết quả nổi bật: đã hoàn thành cầu Đồng Quang kết nối giữa huyện Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ với huyện Ba Vì của thành phố Hà Nội, đang triển khai thi công xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến sẽ hoàn thành dịp cuối năm 2018, khi hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào kết nối giao thông đường bộ giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Đối với hệ thống vận tải đường thủy kết nối giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh thành khác trong khu vực hiện nay có tuyến đường thủy trên sông Lô, sông Hồng, sông Đà, đã đáp ứng được vận tải hàng hóa trên tuyến đường thủy Việt Trì - Hà Nội. Hệ thống vận tải đường sắt có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc.
Hội nghị hợp tác giữa TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017 - 2020. Ảnh: Gia Huy.
Hà Nội hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển liên kết vùng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông trục chưa có tính kết nối và liên thông thuận lợi giữa các địa phương trong nội vùng và liên vùng. Đầu tư kết nối giữa các phương thức vận tải chưa phát huy hiệu quả của toàn hệ thống, thiếu đồng bộ, nhất là kết nối giữa đường sắt, đường thủy và cảng biển. Vận tải bằng đường bộ là chủ yếu, các phương thức vận tải khác chưa phát huy được hiệu quả khai thác. Hệ thống cơ sở hạ tầng được trải rộng và bám theo trục đường giao thông, không gian phân tán manh mún, khó khăn trong việc mở rộng, nâng cấp hay hiện đại hóa.

Trong thời gian tới để thúc đẩy liên kết vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quy hoạch, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch để bảo đảm tính hệ thống, nhất quán đối với mọi loại quy hoạch; rà soát, nâng cao chất lượng các quy hoạch/đề án phát triển, bảo đảm cân đối giữa nhu cầu và các nguồn lực, nâng cao tính khả thi của các quy hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng đã được phê duyệt.

2. Các tỉnh cần rà soát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của vùng và của các địa phương, phải xác định vai trò của công tác quy hoạch để qua đó loại bỏ các quy hoạch không phù hợp, không bám sát sự phát triển của ngành, địa phương và của vùng.

3. Nghiên cứu, ban hành các chính sách đồng bộ về đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng; về chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê kết cấu hạ tầng; quan tâm bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm; có cơ chế, chính sách cho từng vùng riêng biệt cho mỗi giai đoạn phát triển; thể chế hóa các quy định về liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm bảo đảm lợi ích tối đa tổng thể của vùng và lãnh thổ.

4. Tăng cường công tác dự báo khoa học chính xác giữa cung và cầu về kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của vùng. Có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát các dự án đầu tư; chú trọng cả việc giám sát, đánh giá việc khai thác, sử dụng hiệu quả công trình sau đầu tư.

5. Đề nghị thành phố Hà Nội là với vai trò là đầu tầu phát triển kinh tế của vùng Thủ đô tiếp tục quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng, tạo môi trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của các tỉnh trong vùng; giới thiệu các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn các tỉnh trong vùng.