Liên kết xuất bản: “Con dao 2 lưỡi”

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cho rằng việc xã hội hóa xuất bản đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, đem lại cho bạn đọc nhiều sự lựa chọn, phương thức tiếp cận với sách. Tuy nhiên, xã hội hóa xuất bản còn tồn tại những điểm hạn chế.

 Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ 
Ông có thể cho biết tình hình chung của các nhà xuất bản, đơn vị kinh doanh sách hiện nay?

- Hiện nay, ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn do tất các chi phí như giấy, mực in, công in đều tăng, chỉ trong vòng nửa năm đã tăng 2 lần. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh thị phần giữa các nhà xuất bản, đơn vị phát hành cũng khiến việc kinh doanh khó khăn hơn. Đặc biệt, văn hóa đọc của người dân đang bị lấn át bởi nhiều loại hình giải trí khác, nên lợi nhuận kinh doanh tương đối thấp, có thể nói là thấp nhất trong những năm vừa qua. Do vậy, các nhà xuất bản đã và đang cân đối, tiết giảm tối đa chi phí để ấn phẩm vừa đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, nội dung, vừa có giá thành hợp lý. Một trong những giải pháp đó là tăng số lượng phát hành để tăng lợi nhuận trên đầu sách, muốn làm được điều này phải đưa đến cho bạn đọc ấn phẩm có giá trị về nội dung, chất lượng.

Theo ông, ngành xuất bản đã chịu ảnh hưởng như thế nào về sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cho ngành xuất bản nhiều mặt tích cực như công nghệ mới, hình thức kết nối, tương tác với độc giả giúp cho việc làm sách tốt hơn. Tuy nhiên với sự xuất hiện của sách điện tử, chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng đến sách đọc truyền thống. Sách của Nhà xuất bản Văn học không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng sách của các nhà xuất bản khác về khoa học kỹ thuật và sách chuyên ngành bị ảnh hưởng lớn. Mặc dù vậy, sách truyền thống vẫn có nét đẹp riêng, người ta có thú vui cầm cuốn sách trên tay, đi mua sách hay trưng bày sách. Đó là một nét đặc trưng mà sách điện tử không thể có.

Xã hội hóa xuất bản là chủ trương đã có từ lâu, theo ông trong thực tế hiện nay chủ trương này có ưu điểm và hạn chế gì?

- Xã hội hóa xuất bản tạo ra sự liên kết giữa các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân. Nhờ hình thức xã hội hóa, chúng tôi kêu gọi được nhiều thành phần trong xã hội tham gia vào công tác xuất bản cùng đóng góp chất xám, tri thức, kinh tế. Bằng chứng là hiện nay có nhiều đơn vị làm sách tư nhân có thương hiệu và có nhiều đầu sách hay, có giá trị của thế giới và Việt Nam đã được xuất bản thông qua hình thức liên kết phát hành, in ấn, tổ chức dự án sách, sự kiện. Qua đó, bạn đọc có nhiều sự lựa chọn, phương thức tiếp cận với sách. Có thể khẳng định, nhiều ấn phẩm nếu chỉ có nhà xuất bản đã không thể phát hành được, nhưng khi kết hợp với tư nhân với sự năng động, nhanh nhạy và tiềm năng kinh tế 2 bên đã ra được những bộ sách có giá trị.

Tuy nhiên, xã hội hóa xuất bản cũng có những mặt trái, nổi bật là về công tác quản lý nội dung giữa nhà xuất bản và đơn vị liên kết. Với đơn vị liên kết làm ăn nghiêm túc, tuân thủ yêu cầu, đề xuất, các vấn đề về nội dung phát hành của đối tác thì việc kinh doanh, phát hành sách sẽ thuận lợi. Có đơn vị liên kết làm không nghiêm túc sẽ mang đến sự thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng ý kiến, nội dung văn bản nhà xuất bản đã xử lý, sửa chữa hoặc không tuân thủ quy định của Luật Xuất bản. Điều này dẫn đến sự quản lý mệt mỏi cho các nhà xuất bản.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần