Liên thông cán bộ, công chức: Rõ tiêu chí để tạo thống nhất

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thu hẹp đối tượng là công chức, cũng như vẫn tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) xã với CBCC cấp huyện trở lên là một trong những quy định được quan tâm trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức.

Đồng thời, việc xác định rõ tiêu chí để tạo sự thống nhất trong hệ thống là vấn đề được nhấn mạnh.
Tách bạch công chức xã và huyện
Theo quy định hiện nay, CBCC cấp xã luôn được điều chỉnh bằng các quy định tách bạch với đội ngũ CBCC từ cấp huyện trở lên. Trong Luật hiện hành, cùng với khái niệm “công chức”, cũng đã làm rõ khái niệm “CBCC cấp xã” và quy định về chức vụ, chức danh, quyền, nghĩa vụ, chế độ tuyển dụng, quản lý, sử dụng CBCC cấp xã.
Tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, giải trình của Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội cho thấy, Dự Luật cũng vẫn giữ nguyên chính sách tách bạch giữa hệ thống công chức cấp xã và công chức cấp huyện trở lên được Chính phủ đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
 Cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Công Hùng
Theo lý giải của Ủy ban Pháp luật, đội ngũ CBCC cấp xã có nhiệm vụ, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chế độ tuyển dụng, quản lý, sử dụng khác với đội ngũ CBCC cấp huyện trở lên và hiện có số lượng khoảng 22 vạn người, trong đó có khoảng 9,5 vạn người chưa có trình độ đại học. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các quy định của văn bản dưới luật về chế độ, chính sách đối với đội ngũ CBCC cấp xã. Đồng thời, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội và có đề xuất cụ thể về việc thống nhất quản lý công chức các cấp khi sửa đổi toàn diện Dự Luật.
Đặc biệt, Dự Luật quy định liên thông giữa công chức cấp xã, cấp huyện trở lên và người làm việc trong DN nhà nước, những người hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp, nếu đủ điều kiện là công chức thì khi chuyển đổi công tác về cơ quan hành chính Nhà nước không phải thi vào công chức.
Người trước đây đã là công chức, được biệt phái hoặc chuyển công tác, khi quay trở lại vẫn là công chức, không cần phải thi tuyển lại. Như vậy, quy định việc liên thông CBCC cấp xã với công chức từ cấp huyện trở lên được thực hiện bằng quy định cho phép “tiếp nhận” đối với “CBCC cấp xã” vào làm việc ở bộ máy cơ quan Nhà nước cấp huyện trở lên.
Liên thông thế nào cho phù hợp?
Khi thảo luận về vấn đề này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc tách bạch CBCC cấp xã với CBCC cấp huyện trở lên, nhưng cũng đặt vấn đề về chế độ liên thông thế nào cho phù hợp. Bởi trong thực tế vẫn đang tiến hành điều chuyển CBCC cấp huyện xuống cấp xã khi có nhu cầu. Những CBCC cấp huyện sau khi luân chuyển về xã sẽ rất khó điều chuyển trở lại làm công chức cấp huyện.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cần quy định rõ công chức cấp xã đủ điều kiện như có bằng cấp chính quy… sẽ được liên thông với công chức từ cấp huyện trở lên; công chức cấp xã không đủ điều kiện thì không được liên thông.
Đồng thời, không nên băn khoăn với việc CBCC cấp xã sẽ lên được cấp huyện, vì quy định như vậy mới giúp trẻ hóa bộ máy cấp xã. Nếu không được liên thông, cán bộ cấp xã sẽ chỉ làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã hay Phó Chủ tịch UBND xã trong hai nhiệm kỳ liên tiếp để về hưu là vừa.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chỉ khi nào có sự dịch chuyển lên chính quyền cấp cao hơn mới tạo động lực cho việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp xã. Do đó, Dự Luật cần đưa ra tiêu chí để nếu công chức cấp xã, phường đáp ứng được các tiêu chí của công chức cấp huyện, sẽ được chuyển lên làm việc tại cấp quận, huyện. Thậm chí, với hệ thống tiêu chí rõ ràng, cán bộ cấp huyện có năng lực được đưa lên cấp tỉnh, T.Ư cũng sẽ là việc bình thường.

Giải trình của Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được bổ sung vào Luật để thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW. Theo đó, đã là công chức dù làm việc ở đâu cũng phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, “chuẩn đầu vào” nhất định. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới, chưa có thực tiễn nên cần phải được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, nhưng vẫn phải bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả của công tác này.