Liều thuốc mạnh để tái cơ cấu ngân hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc nghiên cứu thí điểm cho phép phá sản một số ngân hàng trên nguyên tắc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và không để xảy ra hiệu ứng "donimo".

Phó Thủ tướng khẳng định, nếu đạt được những điều kiện trên thì có thể sẽ sớm triển khai giải pháp này. Đây là thông điệp thể hiện quyết tâm và sự quyết liệt của Chính phủ trong tái cơ cấu các ngân hàng thời gian tới.
Thời gian qua, với vai trò và tính chất nhạy cảm của hoạt động tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế, nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại một số ngân hàng thương mại với giá 0 đồng, hay cho các ngân hàng yếu thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, việc chưa thể phá sản cũng là một phần nguyên nhân khiến cho một số ngân hàng thương mại đã tăng trưởng bằng mọi giá, mà không để ý đến các rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Bởi trong thâm tâm, không ít ngân hàng cho rằng: Nếu hoạt động yếu kém hay mất khả năng thanh khoản và đứng trước khả năng đổ vỡ thì NHNN sẽ ra tay can thiệp. Và vì thế, dù NHNN ráo riết tái cơ cấu, song không ít ngân hàng yếu kém chưa được xử lý triệt để. Đây chính là gánh nặng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tới.

Thực tế, ngoài các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt 1 vẫn đang gồng sức triển khai như GPBank, CB…, thì đã có nhiều trường hợp yếu kém khác đã xuất hiện như DongA Bank, Eximbank, Ocean Bank… Riêng với 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng (VNCB, GPBank, Ocean Bank), việc xử lý vẫn đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian, công sức của NHNN. Thời điểm này, Luật Phá sản mới (được Quốc hội Khóa XIII thông qua) đã mở ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục phá sản tổ chức tín dụng (TCTD) theo con đường tòa án. Việc cho một ngân hàng phá sản trong điều kiện hành lang pháp lý đầy đủ cũng là việc làm hợp với cách hành xử của các nước trên thế giới. Đơn cử, trong quá trình tái cơ cấu, tại Indonesia có tới 18 ngân hàng bị đóng cửa và Singapore là 48 ngân hàng. Cho phá sản ngân hàng, thông qua đó, nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.

Việc chấp nhận các ngân hàng yếu kém phá sản sẽ gửi đi một thông điệp rất mạnh đến các ông chủ ngân hàng. Nếu ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn. Thông điệp được Chính phủ đưa ra thời điểm này còn nhằm mục đích cảnh tỉnh, chấn chỉnh hoạt động tái cơ cấu của các ngân hàng. Các ngân hàng cần phải nghiêm túc với nhiệm vụ này, vì một hệ thống ngân hàng lành mạnh trong tương lai. Vì vậy, nếu bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có ý định, hành động trục lợi từ hoạt động này sẽ bị trừng phạt thích đáng trước pháp luật và ngân hàng đó sẽ buộc phải bị phá sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần