Linh hoạt “rã đông”, ngoại tệ dồn dập chảy

theo Vneconoomy
Chia sẻ Zalo

Lần đầu tiên trong lịch sử Ngân hàng Nhà nước mua kỳ hạn để “rã đông” nguồn lực ngoại tệ...

Tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng kiến Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ giá mua vào USD, cũng như sử dụng một công cụ mới để linh hoạt điều hành chính sách tỷ giá.
Ngay lập tức, dòng chảy ngoại tệ trên thị trường được khơi thông mạnh, các ngân hàng dồn dập bán ra ngoại tệ; cao điểm lượng Ngân hàng Nhà nước mua vào đầu tuần qua lên tới khoảng 1 tỷ USD chỉ trong một ngày - cũng là kết quả hiếm thấy.
Thời điểm lựa chọn
Ngày 10/10, nhịp điều hành mới trong chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu. Liên tiếp ba ngày cơ quan này hạ giá mua vào USD.
Không phải ngẫu nhiên. Quyết định điều chỉnh trên đến sau khi cân đối thặng dư thương mại 9 tháng chốt lại, Việt Nam không những bù hết phần nhập siêu lũy kế từ đầu năm mà còn trở lại xuất siêu đáng kể. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cùng tốc độ giải ngân cao; kiều hối tiếp tục gia tăng…
 Tiếp tục đi theo lựa chọn chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ thay vì huy động trả lãi và cho vay, tuần qua cao điểm có ngày Ngân hàng Nhà nước mua vào tới khoảng 1 tỷ USD.
Trên thị trường thế giới, đồng USD giảm giá mạnh, mà trước đó là quyết định chưa tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong rổ tham chiếu tính tỷ giá trung tâm mà Việt Nam đang áp dụng, nhiều đồng tiền mạnh lên, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ.
Nội tại hệ thống ngân hàng, trạng thái ngoại tệ đã tích tụ và dương khá lớn trong khoảng ba tháng qua, một phần phản ánh thực tế điểm hoán đổi lãi suất “đô - đồng” ở trạng thái âm kéo dài. Ngân hàng Nhà nước quyết định tạo nhịp điều hành mới, thúc đẩy hoạt động “rã đông” nguồn lực tích tụ đó.
Cùng các yếu tố trên, thời điểm kích hoạt nhịp điều hành mới cũng có hàm ý cân đối với các dòng chảy, tương tác khác để đạt mục tiêu tổng thể hợp lý.
Đây là thời điểm đầu quý 4, tăng trưởng tín dụng vào mùa cao điểm, mà cận kề cũng là nhu cầu thanh khoản cao cho hoạt động thanh toán, chi trả thường dồn vào cuối năm, thêm nữa định hướng phấn đấu giảm tiếp lãi suất cho vay vẫn còn đó.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước kích hoạt nhịp điều hành mới, lập tức mua vào một lượng lớn ngoại tệ, đồng nghĩa với việc đưa ra lượng lớn tiền đồng đối ứng. Đặc điểm của thời điểm trên, mùa cao điểm tín dụng giúp hấp thụ tốt hơn lượng tiền đồng đưa ra này, cũng như chuẩn bị cho mùa cao điểm thanh khoản cuối năm.
Suốt một thời gian dài, kênh bơm vốn qua cầm cố trên thị trường mở (OMO) gần như ngừng chảy; lượng chào Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì thăm dò 1.000 tỷ mỗi phiên, song gần như không có giao dịch nào rót ra. Thế nên, nguồn tiền ra chủ yếu qua kênh mua vào ngoại tệ.
Bên cạnh yếu tố thời điểm nói trên giúp gián tiếp hấp thụ lượng tiền đồng đưa ra (đặc biệt ở kênh tín dụng với định hướng nới tăng trưởng từ 18% lên 21% năm nay), Ngân hàng Nhà nước cũng song song trung hòa ở kênh tín phiếu. Tuần qua, chuyển động mới đã thể hiện. Nhà điều hành đã tăng lượng tín phiếu lên để hút bớt tiền về, cũng như nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường đón nhận một công cụ mới Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cũng có một phần ý đồ giãn cung tiền đồng khi mua vào ngoại tệ: công cụ giao dịch mua kỳ hạn.
Công cụ đắc dụng
Một lần nữa trong lịch sử điều hành chính sách tỷ giá, thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước khẳng định tính linh hoạt trong điều hành khi sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn.
Tháng 12/2015, lần đầu tiên cơ quan này đưa ra sản phẩm bán ngoại tệ kỳ hạn, như một cam kết tạo cung ngoại tệ với giá bình ổn trong tương lai để tạo niềm tin cho thị trường. Đó là ở thời điểm tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng thẳng.
Lần này, cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đưa ra sản phẩm ở chiều ngược lại, mua kỳ hạn với mức giá giao ngay. Điều này có nghĩa, các ngân hàng thương mại thêm lựa chọn bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong tương lai với mức giá hiện tại, mà không lo giá sẽ sụt về sau.
Nhưng quan trọng hơn, việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra sản phẩm mua ngoại tệ kỳ hạn 1-2 tuần trong tuần qua đã tạo thêm lựa chọn mới cho các ngân hàng thương mại, để họ chủ động hơn trong cân đối dòng ngoại tệ và nhu cầu vốn.
Cả hai phía đều hài lòng. Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng ngoại tệ lớn, gia tăng dự trữ ngoại hối - một trong những mục tiêu ưu tiên. Các ngân hàng thương mại cũng hào hứng tham gia, với lượng hợp đồng kỳ hạn chiếm tới trên 50% tổng lượng bán lại đó.
Như trên, ngoài tác dụng tạo thêm lựa chọn phù hợp với nhu cầu cân đối dòng ngoại tệ và nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại, công cụ kỳ hạn còn giúp Ngân hàng Nhà nước giãn việc đưa ra tiền đồng khi mua lại ngoại tệ; nguồn này được giãn ra theo các kỳ hạn 1-2 tuần, gối đầu nhau, thay vì dồn hẳn vào một thời điểm.
“Rã đông” thay cho huy động
Qua một tuần, khác biệt lớn trong điều hành chính sách tỷ giá đã thể hiện rõ. Có những góc nhìn, những khía cạnh xoay quanh, song điều thực tế là giá trị và niềm tin vào VND khẳng định.
Và cũng gần qua một năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đi theo lựa chọn của mình trong ứng xử với nguồn lực ngoại tệ: không trở lại huy động và cho vay như các yêu cầu, khuyến nghị, mà chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ bằng các kỹ thuật “rã đông” như trên.
Tuần qua, cao điểm có ngày Ngân hàng Nhà nước mua vào tới khoảng 1 tỷ USD, trong hướng mua ròng khá lớn từ đầu năm - nguồn lực ngoại tệ chuyển hóa mạnh sang VND để đi vào tiêu dùng, đầu tư sản xuất kinh doanh…
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 ngày 11/10 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: dự trữ ngoại hối tiếp tục tạo kỷ lục mới với 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016.
Nguồn lực đó của quốc gia được chuyển hóa từ nguồn lực ngoại tệ, cách mà Ngân hàng Nhà nước đang làm, thay vì vay nợ bằng huy động và trả lãi. Dự trữ ngoại hối gia tăng, điểm hạng mức tín nhiệm quốc gia càng có cơ hội để cải thiện, mà lợi ích cụ thể là chi phí vay nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp có thêm điều kiện để có thể dễ chịu hơn, với thực tế Việt Nam đang chuyển dần sang vay thương mại thay vì được ưu đãi như 2017 trở về trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần