“Lỗ hổng” khiến thực phẩm giả lọt vào tay người tiêu dùng

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/4, Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội đã phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường, Sở Công Thương Nguyễn Đắc Lộc chia sẻ, việc xuất hiện hàng giả, hàng nhái một phần do công tác quản lý in ấn chưa chặt chẽ. Theo quy định, việc in ấn bao bì, nhãn hiệu sản phẩm phải có công bố của sản phẩm nhưng do lợi nhuận các đơn vị in vẫn in theo nhu cầu của khách hàng.
 Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng lậu
Bên cạnh đó, với các sản phẩm nhập khẩu đã xảy ra tình trạng người bán sử dụng chất tẩy để tẩy xóa hạn sử dụng cũ, thay hạn sử dụng mới nhằm kéo dài thời gian bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

“Hay như việc một công ty có thể thành lập ở một địa chỉ nhưng kho hàng lại ở địa bàn khác, thậm chí thông qua nhiều công ty con khác nên gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, việc xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Theo chế tài, hàng hóa không có nguồn gốc sẽ bị tịch thu và tiêu hủy nhưng lại không có cơ chế cho hàng hóa tiêu hủy. Hàng hóa này lại không xác định chủ thể nên chính cán bộ kiểm tra phải chịu trách nhiệm tiêu hủy”- ông Nguyễn Đắc Lộc cho hay.

 Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo ông Lộc, với mặt hàng hoa quả, mặc dù các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị đã áp dụng dán tem truy xuất nhưng nhiều sản phẩm có nguồn gốc ở nước ngoài, trồng tại Việt Nam theo quy trình nước ngoài vẫn mập mờ về thông tin truy xuất. Ví dụ với sản phẩm táo, trong siêu thị có rất nhiều loại, ngay đến cán bộ quản lý thị trường cũng khó có thể kiểm soát hết. Rất có thể táo Trung Quốc lại được dán tem táo Mỹ, táo Newzealand.

Về công tác giám định, muốn xử lý hàng hóa vi phạm phải tổ chức lấy mẫu à giám định. Việc giám định khó bởi một sản phẩm có thể có tới 20 chỉ tiêu giám định nên để lựa chọn chỉ tiêu đưa đi giám định cũng rất khó khăn. Một mẫu hiện nay, trung bình khoảng 10 ngày mới có kết quả giám định nên khi cơ quan chức năng quay lại xử lý thì sản phẩm đã được tiêu thụ hết. 

“Thời gian gần đây, liên tục nhận được các khiếu nại, khiếu kiện từ phía người tiêu dùng. Song, hiện nay người tiêu dùng còn thiếu kỹ năng trong vấn đề này. Chính người tiêu dùng còn e dè, khi khiếu nại khiếu kiện không có tang vật chứng minh. Đây cũng là một trong những vấn đề cần tập trung tuyên truyền trong Tháng hành động này” – ông Nguyễn Đắc Lộc nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các sở, ngành và UBND các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai Tháng hành động ATTP năm 2019 nhằm đem lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác bảo đảm ATTP giai đoạn tới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh nông thủy sản, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề, bếp ăn tập thể, chợ, siêu thị. Giải quyết căn bản việc sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đảm bảo ATTP tươi sống (rau, thịt, thủy sản), trọng tâm hướng đến giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong nông sản, thủy sản.