Lỗ hổng quản lý Uber và Grab

Nguyễn Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 2 năm gần đây, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của dịch vụ taxi công nghệ (Uber, Grab) với ưu thế là sự tiện lợi và giá rẻ đã làm “dậy sóng” thị trường vận tải hành khách trên cả nước.

 Điều đó tạo nên sự cạnh tranh thị phần khiến các hãng taxi truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn...
Taxi truyền thống đang chịu thiệt?
Trước đó, Bộ GTVT đưa thí điểm mô hình hoạt động của Uber và Grab nhưng số lượng thí điểm không hạn chế. Đặc biệt, chính sách thuế cho Uber và Grab được nhiều ưu đãi, bản thân các xe chạy Uber chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) trên doanh thu được hưởng 3%, thuế thu nhập DN trên doanh thu được hưởng 2%; đối với Grab, các khoản thuế phải đóng từ 6 - 7%. Mức thuế này không chỉ thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống đang chịu gồm 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập DN mà còn gây thất thu cho ngành thuế.

Taxi hãng Thanh Nga đón khách tại Khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân. (ảnh lớn). Dịch vụ Grab taxi ứng dụng công nghệ phần mềm điện thoại (ảnh nhỏ). Ảnh: Phạm Hùng

Anh Ngô Hữu Tân, một lái xe lâu năm của hãng taxi Thành Lợi chia sẻ: “Lái xe Uber, Grab không được tham gia bảo hiểm xã hội, tham gia công đoàn, không được khám sức khỏe định kỳ… Như vậy, vô hình chung họ đã trốn tránh trách nhiệm xã hội. Tại các khu vực như nhà ga, sân bay, taxi truyền thống phải đấu thầu mới được vào đón trả khách thì Uber, Grab tự do ra vào. Trong giờ cao điểm, nhiều tuyến đường cấm taxi thì những xe này thoải mái đi lại nên khách hàng thích chọn Uber, Grab hơn. Do vậy, giá cước rẻ và tính cạnh tranh cao là đương nhiên”.
Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, về bản chất Uber, Grab giống như taxi. Nhưng với danh nghĩa công ty công nghệ, Uber, Grab đã lách luật hiện hành để giành nhiều lợi thế mà taxi truyền thống bị trói chân như: Đủ số lượng xe, có trụ sở hoặc văn phòng, nơi đỗ xe, có logo, mào xe và công khai giá cước… Như vậy, vô hình chung cơ quan quản lý Nhà nước hạn chế hoạt động kinh doanh của taxi nhưng lại buông lỏng với xe Uber, Grab.
Quy định không theo kịp thực tế
Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, loại hình xe Uber, Grab cần được cấp phù hiệu, phải có logo và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu thiếu những điều kiện này thì đây phải được coi là hoạt động bất hợp pháp và các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab trong những năm qua.
Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đưa ra ý kiến về cách ứng xử với Uber, Grab: “Các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý, qua Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý của DN taxi quá đắt đỏ. Bình đẳng về thuế, phí cũng rất quan trọng, Nhà nước nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN. Ít quốc gia đưa ra quyết định cấm, ứng xử với mô hình kinh doanh mới không phải là từ chối mà làm sao để người dân được hưởng lợi và DN cần phải thay đổi để thích nghi khi hội nhập với quốc tế”.
Thực trạng trên cho thấy, mặc dù loại hình giao thông Grab, Uber có nhiều tiện lợi, nhưng hiện nay, việc sử dụng vẫn còn khá nhiều bất cập. Chưa kể khi sử dụng loại hình này, khách hàng phải khai báo một số thông tin cá nhân, số điện thoại của mình, dẫn đến việc có thể bị lợi dụng. Thêm nữa, đại đa số các xe Grab, Uber đều không có phù hiệu hợp đồng, văn phòng đại diện cũng chỉ thực hiện việc hỗ trợ mà không ràng buộc pháp lý nên khi có vướng mắc, khiếu kiện từ các chủ xe, người sử dụng dịch vụ đều không được giải quyết. Điều này khiến người tiêu dùng bất an. Đây là những thực tế mà các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét sớm có giải pháp phù hợp, vừa sử dụng được công nghệ mới, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, làm tốt mọi nghĩa vụ với Nhà nước, lại không ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại hình giao thông khác, bảo đảm quyền lợi người dân.
Tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống là do lỗi của cơ chế chứ không phải do Uber, Grab, nên phải đổi mới về cơ chế bởi mặt hàng nào độc quyền thì Nhà nước phải quy định giá trần nếu cạnh tranh thực sự để thoải mái về giá, không ngăn cản, triệt tiêu làm hạn chế sự phát triển cái mới.
Chuyên gia kinh tế
Ngô Trí Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần