Lo mục tiêu tăng trưởng khó đạt 6,7%

Ngọc Trâm - Quốc Toản - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%) và theo tính toán quy luật nếu GPD đầu năm dưới 5% thì cuối năm chỉ dưới 6,3%” - các đại biểu Quốc hội lo lắng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% khó khả thi khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ.

GDP khả năng chỉ đạt 6,2 - 6,3%

ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) phát biểu, số liệu báo cáo năm 2016 của Chính phủ rất đáng lưu ý, 11/13 chi tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu không đạt là GDP và xuất khẩu, kết quả, GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21%. Trong khi 4 tháng đầu năm 2017 GDP chỉ tăng 5,1% thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (5,48%) vậy mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 có đạt được không? “Chính phủ khẳng định kinh tế đã phục hồi nhưng trong báo cáo không có các ngành kinh tế trọng điểm phục hồi lên. Một số chuyên gia nêu, thường nếu GPD đầu năm dưới 5% thì cuối năm chỉ dưới 6,3%” - ĐB Thưởng phát biểu.

Chỉ ra những khó khăn, các ĐB cho rằng khả năng GDP năm 2017 chỉ đạt 6,2 - 6,3%. “Dù Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo trong công tác cán bộ; Quyết tâm tạo ra phong trào khởi nghiệp, là điểm sáng để hy vọng kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đất nước còn bộn bề những khó khăn cần vượt qua. Tái cơ cấu chưa có bước chuyển biến rõ, nợ công cao, nợ thuế nhiều, nợ xấu nhức nhối đối phó với môi trường và biến đổi khí hậu còn lúng túng” - ĐB Nguyễn Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhận xét.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Duy Linh
ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng, kinh tế của Việt Nam chủ yếu gia công, DN FDI sức lan tỏa tới nền kinh tế còn hạn chế (chuyển giao công nghệ, phụ trợ…), công nghiệp chậm phát triển, cơ cấu kinh tế không có sự điều chỉnh rõ rệt, lãi suất cao khó phát triển sản xuất. DN thành lập nhiều nhưng giải thể lắm, nếu như quý I, cứ 10 DN thành lập mới có tới 9 DN rời thị trường. Trong khi sản xuất nông nghiệp phục hồi thiếu bền vững. Trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thị trường vẫn là bài toán nan giải, đặc biệt năm nay nổi lên tình trạng giá lợn.

Nói về tình trạng chăn nuôi, ĐB Thưởng cho rằng, nguyên nhân chủ quan có, khách quan có, câu hỏi đặt ra liệu có nên chỉ đổ cho bà con nông dân không khi vấn đề chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra còn kém. Thậm chí khi hỏi một cán bộ của Bộ NN&PTNT có bao nhiêu con không trả lời được sau này mới đưa ra số liệu 30,5 triệu con nhưng cũng chỉ tương đối thôi. Tình hình xử lý thế nào. Ở đây đặt ra vai trò của Nhà nước trong quy hoạch cung cầu, vấn đề sản xuất và thị trường thế nào, trong khi người nuôi thua lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua cao, liên kết chuỗi, vấn đề phong phú cơ chế lợi ích thế nào?”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Chúng ta đang vận động quốc tế khẳng định là nền kinh tế thị trường mà ta lại không chịu công nhận nó. Đây là bài toán thị trường, giải pháp như dưa hấu, Đoàn thanh niên giải cứu, thịt lợn cũng giải cứu đấy chỉ là tức thời không phải là giải pháp cứu nền kinh tế được”.

“Đặt ra câu hỏi chúng ta phải làm thế nào để cuối năm kết quả đạt được như mong muốn. Tôi rất lo GDP” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chi tiêu theo khả năng nền kinh tế

ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, khi GDP giảm, rõ ràng sẽ tác động tới ngân sách vì chúng ta lấy giá trị GDP làm căn cứ xây dựng dự toán. Nên trong quyết toán thu luôn phản ánh sự không bền vững của nguồn thu, Chính phủ cần đánh giá rõ. Năm 2016 bội chi đã vượt, mà lại không ưu tiên cho bù đắp bội chi, giảm vay, và theo ĐB này trong lúc khó khăn này, ưu tiên để bội chi không vượt trần phải là số 1. “Về nợ công, bội chi, đến giờ này Chính phủ không có giải pháp thì 2017 khó kiểm soát được trần. Nợ trực tiếp của CP là 52,6%, cách trần chỉ còn 1,4% (54%). Giải pháp được đưa ra nếu có thể phải điều chỉnh cả GDP để điều chỉnh số được vay thì mới có thể kiểm soát được. Vay nợ đã đến mức báo động, gần chạm trần nên chi theo khả năng của nền kinh tế” - ĐB bày tỏ.

Các ĐB cho rằng, Chính phủ phải hành động thực chất hơn nữa. Đó là cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công vừa qua dàn trải, phải xác định chuẩn đúng hướng. Các đại biểu kiến nghị xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng. Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn NSNN xử lý chưa được kịp thời.

Thủ tục hành chính vẫn là lực cản

Theo ĐB Nguyễn Văn Giàu (đoàn An Giang) tồn tại lớn nhất chưa có chuyển biến lớn, chưa yên tâm cho cử tri và nhà đầu tư trong và ngoài nước chính là cải cách thủ tục hành chính chưa giảm nhiều. “Nhật Bản họ sang Việt Nam họ nói sợ nhất là phí phi chính thức. Hỏi các ngành, các cấp biết cả. Hy vọng Hội nghị T.Ư 6 bàn về hệ thống bộ máy tổ chức các chính sách về con người, sử dụng lao động thế nào? cải cách tiền lương ra sao? cho nghỉ thế nào? hy vọng sẽ giải quyết các vấn đề trên” - ĐB Giàu cho hay.

Về đánh giá cán bộ công chức, ĐB Ngô Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chỉ ra thực trạng: Chất lượng cán bộ có nhiều đánh giá khác nhau. Để đo đếm định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn, đã từng có con số “30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” với chất lượng cán bộ như vậy thì việc ban hành chính sách gặp khó khăn. Thừa nhận tình trạng bộ máy còn cồng kềnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, nguyên nhân do phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế. Có những việc rất nhỏ mà quy trình, thủ tục phức tạp để rồi cứ đẩy lên T.Ư xem xét. “Tới đây phải đẩy mạnh phân cấp, T.Ư chỉ làm thể chế, quy hoạch chiến lược, kiểm tra, giám sát. Còn việc thực hiện là do địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm” - ĐB Tân nói.

Tại phiên thảo luận ở tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra các yếu tố làm giảm đà tăng trưởng như giải ngân chậm vốn đầu tư công, thủ tục đầu tư công rất phức tạp... Bên cạnh đó còn do một số lý do khách quan như giá dầu thế giới giảm, vụ Galaxy Note7 gây thiệt hại hàng tỷ USD, tương đương 0,5% GDP... Mặc dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không thể ca mãi bài ca “do khách quan” dẫn đến tăng trưởng chậm. Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian tới thủ tục đầu tư công cần phải được khắc phục, tiến trình cổ phần hóa DN phải được đẩy mạnh. Phải tính tới từng mặt hàng, từng cấu phần tăng trưởng, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư vào nông nghiệp, kích thích du lịch, sản xuất công nghiệp, điện tử… Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cũng lưu ý: Cần chú trọng tới các chỉ tiêu việc làm, xóa đói giảm nghèo… Lạm phát phải cố gắng giữ ở dưới mức 4%.
Phải làm tốt công tác dự báo, kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Giải quyết nợ xấu, cơ cấu lại chi ngân sách. Đẩy mạnh cổ phần hóa phải công khai, minh bạch, không để thất thoát, kèm theo đó là phương án sử dụng vốn sau khi CPH. Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển CN cao cũng là giải pháp quan trọng. Thu không đủ thì chi cũng vậy, không đi vay, không sợ nợ công, bội chi. Không phải có 10 đồng mà đòi chi 20 đồng. Ta phải liệu cơm mà gắp mắm. 
Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Thị Kim Ngân
Thị trường vốn và tài chính chưa phát triển. DN thành lập mới nhiều nhưng giải tán lớn trong khi khả năng tiếp cận vốn vay vẫn chưa tốt… Trong các giải pháp ngắn và dài hạn, môi trường đầu tư như cá với nước nghiễm nhiên chính sách rõ ràng, thủ tục hành chính phải minh bạch công bằng. 
Bí thư Thành ủy Hà Nội  Hoàng Trung Hải
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu DN là không hề đơn giản. Và một thực tế là, DN phá sản, mất tích, đóng cửa thì số nợ thuế mất ngay, nhưng DN mới thành lập, để có nộp thuế phải mất vài năm. Trong khi đó, dầu quý I vừa rồi đã khai thác trên 24%. Tuy nhiên, tổng thu về dầu chỉ chiếm 3,2 - 3,3% GDP. Ước tính 1 triệu tấn khai thác được 0,25% điểm GDP, do đó nếu có khai thác thêm dầu thì không là bao nên phải tìm giải pháp khác. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính  Đinh Tiến Dũng
Để phấn đấu đạt tăng trưởng 6,7%, dựa vào việc nâng cao kinh tế tư nhân, độc lập tự chủ. Nếu động lực kinh tế tư nhân phát triển, được đầu tư đúng mức, được sự hỗ trợ sẽ có điều kiện đóng góp hơn vào sự phát triển này. Đề nghị đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn Nhà nước theo đúng tinh thần cái gì DNNN không cần nắm giữ để tư nhân làm. Đồng thời xem xét lại các dự án BOT minh bạch, có thể cho kéo dài số năm thu phí để bớt áp lực chi phí mới tạo được sức cạnh tranh cho nền kinh tế. 
ĐB Trần Hoàng Ngân Đoàn TP Hồ Chí Minh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần