Lo Mỹ tạo tiền lệ xấu

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Mỹ ngày 1/9 (giờ địa phương) tuyên bố sẽ không tham gia vào sáng kiến toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng nhằm phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19.

COVAX - “Sáng kiến Tiếp cận thuận lợi Vaccine Covid-19 trên phạm vi toàn cầu” là một kế hoạch được WHO, cùng tổ chức Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Đối phó Dịch bệnh và Liên minh Vaccine dẫn đầu, hướng đến việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia một khi có loại vaccine an toàn và hiệu quả được cấp phép.
Lo Mỹ tạo tiền lệ xấu - Ảnh 1
Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) được thông báo sẽ đóng góp 400 triệu euro nhằm hỗ trợ mục tiêu mua 2 tỷ liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tiềm năng vào cuối năm 2021, thể theo sáng kiến COVAX.
Cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Đức đã chính thức trở thành thành viên của COVAX. Theo một thông báo hồi tháng trước của WHO, đã có hơn 170 quốc gia đang đàm phán để tham gia kế hoạch toàn cầu này. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không nằm trong số đó.
Phát biểu trước báo giới hôm 1/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere nói rằng: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, quá trình nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine đã đạt tiến bộ với tốc độ chưa từng có để cung cấp các loại thuốc chữa trị hiệu quả, dựa trên dữ liệu khoa học và an toàn. Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế để đánh bại loại virus nguy hiểm này, nhưng Washington sẽ không chấp nhận những hạn chế bởi sáng kiến đa phương, vốn chịu ảnh hưởng của WHO và Trung Quốc”.
Tuyên bố này gợi nhắc về cáo buộc trước đó của ông chủ Nhà Trắng, cho rằng WHO luôn chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, trở thành lý do thúc đẩy Chính quyền Trump hồi tháng 5 tuyên bố rút khỏi WHO và cắt nguồn tài trợ lớn nhất cho tổ chức này. Tương tự quyết định giữa đại dịch rối ren, việc Washington từ chối tham gia nỗ lực COVAX tiếp tục vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia y tế cộng đồng.
Washington Post dẫn lời bà Suerie Moon - Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển ở Geneva, nói rằng việc Mỹ không tham gia vào sáng kiến COVAX là “một đòn giáng thực sự đối với nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo vaccine cho mọi người dân”.
Trong khi Giám đốc điều hành Tổ chức quốc tế One Campaign, Tom Hart, cảnh báo động thái của Washington không chỉ khiến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới gặp nguy hiểm mà còn có thể “cô lập hoàn toàn người Mỹ khỏi một loại vaccine hiệu quả chống Covid-19”.
Các chuyên gia y tế nhận định, từ chối đàm phán COVAX đồng nghĩa với việc Mỹ đang đánh cược vào hiệu quả của việc tự phát triển vaccine và tạo tiền lệ xấu khi khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự - vốn có thể dẫn đến việc tích trữ vaccine và nâng giá thành sản phẩm.
Trên thực tế, thay vì tham gia các nỗ lực hợp tác toàn cầu để phát triển vaccine, Washington đã chọn tập trung vào Chiến dịch Warp Speed - một kế hoạch của Mỹ nhằm phát triển vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu sản xuất 300 triệu liều vào tháng 1/2021.
Tổng thống Trump từng khẳng định mục tiêu phát triển một loại vaccine trước ngày bầu cử vào tháng 11 tới, tuy nhiên các chuyên gia y tế hàng đầu nước này nhiều lần thừa nhận sẽ mất nhiều thời gian hơn thế để một loại vaccine có thể được thẩm định và chấp thuận tại Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của WHO đã cảnh báo về những tác động tiềm tàng của “chủ nghĩa dân tộc vaccine” - nguy cơ xảy ra khi các quốc gia giàu có hơn tích trữ vaccine ngừa Covid-19.
“Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Không một quốc gia nào có thể độc quyền tiếp cận với nghiên cứu và phát triển, sản xuất và tất cả chuỗi cung ứng cho tất cả các loại thuốc và nguyên liệu thiết yếu”, Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh trong một cuộc họp báo hồi tháng 8, “chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần