Báo cáo sáng 7/11 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có 5 hồ chứa thủy điện đang phải xả điều tiết qua tràn. Lưu lượng xả/ lưu lượng về hồ (m3/s)): Đăk Srông 3A: 80/190; Đăk Srông 3B: 40/190; sông Ba Hạ: 100/510; Sông Bung 6: 88/218; Sông Giang 2: 5/14.
Đáng lo ngại hơn là nhiều hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, nguy cơ chịu tác động lớn nếu mưa kéo dài do bão số 6. Cụ thể, khu vực Bắc Trung Bộ hiện còn 53 hồ chứa bị hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp; Khu vực Nam Trung Bộ có 2 hồ đang xả: Định Bình xả 28 m3/s qua phát điện, Hòn Lập xả 6 m3/s (Bình Định), hiện còn 24 hồ chứa bị hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên, có 5 hồ chứa thủy lợi đang phải xả tràn với lưu lượng cụ thể như sau: Đắk Uy xả 15 m3/s (Kon Tum); Ayun Hạ xả 30 m3/s, Ia MLá xả 14 m3/s (Gia Lai); Ea Soup Thượng xả 12m3/s, Krông Buk Hạ xả 21m3/s (Đắk Lắk). Hiện, còn 41 hồ chứa bị hư hỏng và 23 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
Bên cạnh nỗi lo hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sau bão số 5, đã xảy ra sự cố sạt lở kè biển Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; UBND tỉnh đã huy động lực lượng tiến hành đắp bao cát, gia cố tạm đoạn kè bị sạt lở, hư hỏng. Sự cố sạt mái tuyến đê Đông, huyện Tuy Phước trên chiều dài 127m; Địa phương đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố.
Lo ngại hiện nay là 11 vị trí đê kè biển xung yếu (Quảng Nam: 2, Quảng Ngãi: 2, Bình Định: 2, Khánh Hòa: 3, Ninh Thuận: 2). Công trình đang thi công dở dang có 2 tuyến kè biển đang thi công (Quảng Ngãi: 1, Ninh Thuận: 1).
Theo đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đây là những vị trí cần được đặc biệt quan tâm trước diễn biến bão số 6 phức tạp, có khả năng gây mưa trong 2 - 3 ngày tới.