Lo ngại bệnh dại gia tăng trong mùa Hè

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tất cả các trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay đều không tiêm phòng vaccine sau khi bị chó cắn. Bộ Y tế cảnh báo, thời điểm nắng nóng sắp tới, số bệnh nhân có thể sẽ gia tăng nếu không có ý thức phòng bệnh.

 Ảnh minh họa
Mới đây nhất, một phụ nữ 40 tuổi, ở Bắc Giang lên cơn dại sau hơn một tháng bị chó cắn, đã nhập viện Bệnh viện (BV) Nhiệt đới T.Ư, sau đó tử vong. Trước đó, BV tiếp nhận 2 ca mắc dại, 1 người 60 tuổi, ở Nghệ An sau 5 ngày điều trị đã xin về. Một trường hợp khác, 44 tuổi, ở Tuyên Quang, bị chó cắn vào bàn tay phải, nhưng không tiêm phòng. Trong khi đó, tại Kon Tum, liên tiếp có 4 trường hợp mắc dại tử vong. Các địa phương khác cũng rải rác ghi nhận nhiều ca bệnh dại nhập viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bệnh dại có thể phòng tránh được bằng cách tiêm vaccine sau khi bị chó dại cắn. “Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa là cơ hội sống khép lại vì bệnh này không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh. Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị mắc dại. Vaccine phòng dại thế hệ mới gần như không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào” - bác sĩ Cấp nói.

Trước tình trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo sử dụng vaccine kịp thời để phòng, chống bệnh dại. Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.

Theo Cục Y tế dự phòng, khi bị chó, mèo cắn, cào, mọi người cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vaccine Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vaccine Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất. Vaccine dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, giai đoạn năm 2011 - 2016, mỗi năm Việt Nam có khoảng 92 người chết vì bệnh dại và trung bình có trên 400.000 người bị chó cắn phải nhập viện điều trị dự phòng, thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng. Trong năm 2017, toàn quốc có 74 người chết và bệnh dại ở 34 tỉnh, TP, tập trung ở miền Bắc, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần