Lo ngại chất lượng giống nòi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vi phạm ATTP quá nhiều, phạt như "phủi bụi", ngành nào cũng có trách nhiệm trong quản lý nhưng không quản xuể. Đây là những vấn đề làm "nóng" hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và ATTP diễn ra sáng 2/1 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.

Kinhtedothi - Vi phạm ATTP quá nhiều, phạt như "phủi bụi", ngành nào cũng có trách nhiệm trong quản lý nhưng không quản xuể. Đây là những vấn đề làm "nóng" hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và ATTP diễn ra sáng 2/1 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.
 
Số hàng lậu, không rõ nguồn gốc tại Ninh Hiệp, Gia Lâm bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ.     Ảnh: Hoài Nam
Số hàng lậu, không rõ nguồn gốc tại Ninh Hiệp, Gia Lâm bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ. Ảnh: Hoài Nam
Ăn gì cũng sợ

Từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 160 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.238 người mắc, 28 trường hợp tử vong. Tuy số vụ ngộ độc giảm so với năm trước, nhưng ngộ độc rượu lại tăng, đây đang là nỗi lo của người dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đa số các địa phương đều triển khai công tác ATTP rất quyết liệt, nhưng nhiều địa phương vẫn lơ là, đặc biệt việc xử phạt chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị: "Liên quan đến sức khỏe con người, cần phải có chế tài xử phạt nặng hơn, phạt như “phủi bụi” thì khó đảm bảo ATTP". Cũng theo bà Minh, tình hình ATTP hiện nay "rất đáng sợ", danh mục thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, khó kiểm soát nổi. Bà Minh đề xuất, hệ thống y tế cần có thống kê tình hình bệnh tật liên quan đến ATTP. 

 
Sang chiết mắm tôm, tương ớt không rõ nguồn gốc tại chợ Bưởi.     Ảnh: Yên chi
Sang chiết mắm tôm, tương ớt không rõ nguồn gốc tại chợ Bưởi. Ảnh: Yên chi
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các vấn đề như quá tải bệnh viện, y đức, cơ sở hạ tầng... có thể chuyển biến, nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là ATTP. "Chúng ta ai cũng lo ngộ độc mãn tính, không ăn cũng chết, ăn thì chết mòn" - bà Tiến nói. Theo bà Tiến, những vụ tử vong do ngộ độc rượu vừa qua chỉ là bề nổi, ngộ độc thực phẩm ngấm ngầm còn đáng sợ hơn. "Các đoàn cứ đi kiểm tra rồi lấy mẫu như hiện nay không ăn thua, phải tăng cường xử phạt, áp dụng theo nghị định mới, tức xử phạt số tiền gấp 7 lần hàng hóa, đình chỉ cơ sở và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng" - bà Tiến đề xuất.

Tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, 70% nguồn hàng hóa thực phẩm do Hà Nội sản xuất có thể yên tâm về chất lượng, 30% nhập từ bên ngoài vào sẽ phải tăng cường kiểm soát. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Hà Nội tăng cường 10 chốt kiểm dịch trực 24/24 giờ. TP cũng thành lập 5 đội cơ động giải quyết ngay những vấn liên quan đến ngộ độc trong dịp Tết. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tiêu hủy sản phẩm vi phạm, vì trong thời gian chờ tiêu hủy, hàng chục tấn gà không biết nuôi nhốt vào đâu. Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Có thời điểm, cả đội biên phòng cửa khẩu phải đi chăn bò, vì số bò nhập lậu lớn, không tiêu thụ, không tiêu hủy được".

Phải thay đổi cách kiểm tra
"Buôn lậu gà rất khó kiểm soát vì lãi chỉ sau buôn ma túy. Thời điểm này rất khó khăn, đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi. Nhưng dù khó đến mấy nếu quyết tâm, đồng lòng vẫn làm được”. - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát
Năm nào cũng triển khai tháng ATTP, Tết nào cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhưng tình hình vi phạm ATTP vẫn rất đáng lo ngại. Có thể kể đến vụ bắt 5 tấn bánh kẹo nhập lậu mới đây tại Hà Nội, vụ 12 tấn thịt bò "hết đát" tại TP Hồ Chí Minh, 6 trường hợp tử vong do "Rượu nếp 29 Hà Nội", rồi tình trạng gia tăng các mẫu thực phẩm nhiễm chất độc, gà nhập lậu tái xuất… Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cần thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không kiểm tra ngẫu hứng hoặc tràn lan; vi phạm ở mức nào, xử nghiêm theo mức đó. Ông Phát nhấn mạnh: "Hành vi cho chất độc, chất cấm vào thực phẩm là tội ác, cần đối xử như tội phạm". Còn ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát ATTP, vì chỉ có địa phương mới kiểm soát được vấn đề tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, ATTP không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến giống nòi. Phó Thủ tướng đề nghị, ngoài xử phạt thật nặng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu và thực hiện ATTP, vì hiện nay có rất nhiều hộ cá thể sản xuất thực phẩm, chưa nắm rõ được mối nguy hại của việc sản xuất thực phẩm bẩn, độc hại. Phó Thủ tướng đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Cao Đức Phát và cho rằng, tới đây các địa phương cần tăng cường kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, khi phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2013, tình hình dịch bệnh khá ổn định, tuy nhiên bệnh dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng vẫn rất đáng lo ngại. Bộ Y tế nhận định, nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa xuân tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng lo ngại tình trạng buôn lậu gia cầm sẽ khiến virus H5N1, H7N8, H10N9 lan truyền. Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân chủ động phòng chống. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế rà soát nguồn thuốc, sẵn sàng phòng chống dịch.