Lo ngại gia tăng tích trữ lúa gạo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và xuất nhập khẩu lúa gạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Áp lực về nhu cầu lương thực có thể sẽ lớn hơn, do tích trữ lúa gạo phòng dịch gia tăng.

 Chăm sóc lúa vụ Xuân 2020 tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã hoàn thành gieo cấy hơn 3 triệu hecta lúa Đông Xuân 2019 – 2020. Trong 3 tháng tới, toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch. Sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,1 triệu tấn thóc, trong đó, các tỉnh phía Bắc là 6,9 triệu tấn; các tỉnh phía Nam là 13,2 triệu tấn. Dự kiến trong thời gian 6 tháng cuối năm 2020, toàn bộ lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa, vụ Thu Đông của cả nước có thể cho sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc. Trong đó, các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn; các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.
Với những dự báo về diễn biến thời tiết, thiên tai và dịch bệnh, dự kiến diện tích canh tác lúa cả nước năm 2020 đạt 7,3 triệu hecta. Năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ so với năm 2019. Tổng sản lượng thóc lúa năm 2020 sẽ đạt khoảng 43,5 triệu tấn. Dù năng suất tăng nhưng sản lượng lúa gạo nhiều khả năng sẽ chỉ tương đương năm 2019. Nguyên nhân là bởi các địa phương trên cả nước đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với 165.000ha đất lúa. Ngoài ra, còn có khoảng 23.000ha lúa thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ NN&PTNT cho biết, theo kế hoạch, vụ Thu Đông 2020, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ duy trì diện tích 750.000ha lúa. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tăng 3,7 triệu tấn.
Ở một diễn biến khác, dịch Covid-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của một số quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ. Nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng, do một số quốc gia mua lúa gạo để tích trữ. Bởi vậy, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ theo dõi chặt thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long lên khoảng 50.000ha. Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ Thu Đông 2020; đồng thời bảo đảm duy trì diện tích, năng suất và khung thời vụ thu hoạch tốt nhất để có thể bắt tay sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020 - 2021.
Tại các tỉnh phía Bắc, trong hai vụ Hè Thu và vụ Mùa, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tập trung xác định khung thời vụ phù hợp cho từng vùng để tránh thu hoạch vào mùa lũ, nhất là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đối với vụ Đông, sẽ tiếp tục lựa chọn bộ giống ngắn ngày, chất lượng, chống chịu khá đối với sâu bệnh. Chỉ đạo giảm diện tích lúa gieo thẳng, đồng thời bảo đảm khung thời vụ tốt nhất cho cây trồng.