Lo ngại không thuyết phục được EU, bà May hoãn bỏ phiếu lần 2 thỏa thuận Brexit

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định hoãn việc trình Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit lần 2 vào tuần tới do bà lo ngại sẽ không thuyết phục được EU đàm phán lại.

Nhật báo Telegraph của Anh ngày 6/2 cho biết phát biểu tại cuộc họp nội các Anh hôm 5/2, ông Julian Smith, nghị sĩ phụ trách kỷ luật của đảng Bảo thủ tại Hạ viện, nói rằng cuộc bỏ phiếu lần thứ hai về thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ được lùi đến đến cuối tháng 2 để nữ Thủ tướng có đủ thời gian đạt được thỏa thuận thay đổi với khối này.
Thủ tướng May hoãn việc trình thỏa thuận Brexit trong tuần tới tại Hạ viện Anh. 
Theo tờ Telegraph, chính phủ Anh có kế hoạch bỏ phiếu thỏa thuận Brexit tại Quốc hội  vào ngày 25/2 tới, chỉ hơn 1 tháng là tới ngày 29/3, thời điểm diễn ra Brexit.
Trước đó, hồi tháng 1, thỏa thuận Brexit do Thủ tướng May đệ trình đã bị  Hạ viện Anh bác bỏ và nhiều nhà lập pháp Anh hối thúc bà May đàm phán lại với EU.
Tuy nhiên, phía  EU tuyên bố sẽ không đàm phán lại về thỏa thuận Brexit với Anh. Ngày 6/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết EU sẽ không xem xét lại thỏa thuận Brexit.
Chủ tịch Donald Tusk cũng bày tỏ hy vọng Thủ tướng May sẽ tới Brussels vào ngày 7/2 với "những đề xuất thực tế" để phá vỡ thế bế tắc về Brexit.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Leo Varadkar sau cuộc thảo luận tại Brussels, ông Tusk tái khẳng định lập trường của EU rằng điều khoản "rào chắn" biên giới Ireland trong thỏa thuận "ly hôn" là không thể thay đổi. 
Theo kế hoạch, Thủ tướng May ngày 7/2 sẽ đến Brussels gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker để bàn về vấn đề Brexit trong bối cảnh bản thỏa thuận "ly dị" bị Quốc hội Anh bác bỏ làm dấy lên nỗi lo ngại ngày càng tăng về một Brexit không thỏa thuận.
Vấn đề biên giới Ireland vẫn là trở ngại chính trong các cuộc đàm phán giữa London và EU. Thủ tướng Anh đang nỗ lực để nhận được sự thay đổi về điều khoản rút lui được gọi là "rào chắn" nhằm tránh sự trở lại của một biên giới cứng giữa Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần