Lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc phủ bóng, chứng khoán Mỹ-châu Âu cùng lao dốc

Nguyễn Thu (Theo AP, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều giảm điểm phiên 14/1 giữa bối cảnh dữ liệu về thương mại kém khả quan của Trung Quốc làm dấy lên nỗi lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Thị trường Phố Wall mất điểm trong phiên giao dịch này khi dữ liệu về thương mại Trung Quốc bất ngờ sụt giảm làm gia tăng mối lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu và khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong bối cảnh chứng khoán Mỹ bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018.
Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 14/1 cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12 giảm mạnh nhất 2 năm và nhập khẩu cũng giảm, hoàn toàn trái ngược với dự báo tăng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
 Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 14/1.
Đà sụt giảm là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới yếu đi và nhu cầu toàn cầu sa sút.
Cổ phiếu con chip - nhóm công ty có sự phụ thuộc lớn vào nguồn doanh thu từ Trung Quốc - sụt mạnh phiên này. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor Index của các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ mất 1,6%. Mức giảm mạnh này đẩy nhóm công nghệ sụt 0,9%, trở thành nhóm cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất lên chỉ số S&P 500.
Bên cạnh nỗi lo ngại gia tăng về sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết. Hiện tại, giới phân tích dự báo lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty thuộc chỉ số S&P trong quý IV/2018 tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Hồi tháng 10, mức dự báo được đưa ra là tăng 20,1%.
Giám đốc đầu tư Craig Birk thuộc Personal Capital ở San Francisco nhận định: "Câu hỏi lớn nhất vào lúc này là liệu kinh tế Trung Quốc có thực sự giảm tốc hay không, hay đó chỉ là cái cớ để một số công ty không đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý vừa qua". "Nếu mọi thứ thực sự giảm tốc, thì điều đó sẽ được thể hiện trong kết quả kinh doanh quý IV".
Ngân hàng Citigroup đã mở đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh này ở Phố Wall bằng mức lợi nhuận tăng hơn dự báo. Cổ phiếu Citi tăng 4%, giúp nhóm tài chính thuộc S&P nhích 0,7%.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác tiếp tục khiến nhà đầu tư còn thận trọng trong phiên giao dịch này là tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ đã bước sang ngày thứ 24 liên tiếp. Đây là vụ đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử Mỹ.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones hạ 0,36%, còn 23.909,84 điểm. S&P giảm 0,53%, còn 2.582,61 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,94%, còn 6.905,92 điểm.
Sau phiên giảm này, mức điểm của S&P vẫn cao hơn gần 10% so với mức đáy thiết lập vào đêm Giáng sinh. Những nhân tố đưa chỉ số đi lên từ thời điểm đó đến nay là kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm dừng tăng, thậm chí giảm lãi suất trong 2019.
Tại thị trường chứng khoán Anh, chỉ số FTSE 100 hạ 0,9% xuống 6.855,02 điểm vào cuối phiên giao dịch. Trên sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 giảm 0,3% xuống 10.855.91 điểm và tại thị trường chứng khoán Pháp, chỉ số CAC 40 hạ 0,4% xuống 4.762,75 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này giảm 0,5% xuống 3.055,18 điểm. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần