Lo ngại tăng trưởng không bền vững

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quyết tâm của Chính phủ hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là có thể đạt được, tuy nhiên sẽ đặt ra những vấn đề bền vững trong tăng trưởng.

Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – ĐHQG Hà Nội tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 tổ chức sáng ngày 16/6.

  Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu, với kịch bản tăng trưởng 6,7% thì lạm phát dự báo là 3,2%. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay là hoàn toàn có thể đạt được với quyết tâm như hiện nay của Chính phủ, tuy nhiên điều này đặt ra một vấn đề liệu tốc độ tăng trưởng như vậy có bền vững hay không. Trong một kịch bản nền kinh tế tăng trưởng trong trạng thái “tự nhiên” hơn, tăng trưởng đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp hơn là 2,35%. Do đó, ông Thành cho rằng, giữa hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017, Việt Nam nên đi theo hướng của kịch bản “tự nhiên” nhất, nghĩa là kịch bản Chính phủ đúng với tinh thần kiến tạo.

Trên cơ sở phân tích diễn biến kinh tế hiện nay, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cơ quan hoạch định chính sách cần thẩn trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017, giữ vững mục tiêu lạm phát. Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách DNNN theo hướng tinh giản, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho các hoạt động nhờ vào ngân sách Nhà nước như khu vực hội, đoàn thể.

Về tầm nhìn chính sách trong trung và dài hạn, VEPR đề xuất cần cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật. Bên cạnh đó, phân định quyền tài sản với tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững. Điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp với thực trạng tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển nhanh chóng. Đồng thời khuyến khích phát triển xã hội công dân, các hình thức tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp nâng cao năng lực quản trị địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần