Lo ngại thiết lập mặt bằng lãi suất mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất thị trường liên ngân hàng (NH) và lãi suất tiền gửi cá nhân tăng trở lại. Vì thế, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất có khả năng sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II.

Khách hàng giao dịch tại VP Bank. Ảnh: Lam Giang
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Trong 2 tuần đầu tháng 5, lãi suất vay mượn vốn giữa các NH tiếp tục tăng nhẹ ở hàng loạt kỳ hạn. Từ ngày 29/4 - 7/5/2021, lãi suất liên NH đã liên tục có diễn biến tăng ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt 0,31%/năm, 0,23%/năm và 0,21%/năm, lên tương ứng là 1,21%/năm, 1,35%/năm và 1,41%/năm. Trong tuần từ 7-13/5, theo số liệu từ Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên NH tăng nhẹ ở cả 3 loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có mức tăng lần lượt là 0,03%, 0,03% và 0,02% so với tuần trước đó. Ngày 13/5, lãi suất qua đêm ở mức 1,24%/năm, còn lãi suất kỳ hạn 1 tuần và kỳ hạn 1 tháng đều ở mức 1,38%/năm. Như vậy, lãi suất liên NH của 3 kỳ hạn này đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm 2021 và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%/năm). Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay.

Lý giải nguyên nhân, BVSC cho hay, tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020. Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%.

Khoảng cách giữa huy động và cho vay bị nới rộng phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản của các NH. Trong khi đó, huy động đầu vào lại bị cạnh tranh bởi kênh chứng khoán và bất động sản, đã phần nào ảnh hưởng tới dòng tiền chảy vào kênh NH.

Giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay

Để “giữ chân” khách hàng, một số NH cũng đã tăng nhẹ lãi suất huy động tiền đồng trong khu vực dân cư thời gian gần đây. Như Techcombank vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,2%/năm, cụ thể lãi suất huy động 2 tháng lên 2,4%/năm, 3 tháng lên 2,6%/năm, 6 tháng lên 3,8%/năm... Sacombank cũng vừa tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm, cụ thể, lãi suất huy động 1 tháng lên 3,2%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 12 tháng 5,7%/năm... Ngoài ra, các NH còn tăng cường phát hành trái phiếu bổ sung cho nguồn vốn hoạt động với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm từ 1 - 1,2%/năm. Lãi suất liên NH tăng khoảng 1% so với đầu năm và lãi suất huy động tiền đồng trong NH đang tăng trở lại, nhưng theo các chuyên gia thì lãi vay khó tăng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc lãi suất liên NH tăng chỉ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số NH nhỏ, trong khi thanh khoản của toàn hệ thống vẫn khá dồi dào. Thực tế, diễn biến tăng chủ yếu ở nhóm NH có vốn hóa nhỏ (dưới 5.000 tỷ đồng). Trong khi đó, lãi suất ở nhóm NH vốn hóa lớn (trên 5.000 tỷ đồng) chỉ tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng...

Mặt khác, do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang có diễn biến phức tạp, cầu tín dụng dự kiến sẽ bị kéo xuống. Đồng thời, kể từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức chuyển sang phương thức mua ngoại tệ có kỳ hạn 6 tháng, sẽ có một lượng lớn VND được bơm vào thị trường để bổ sung thanh khoản cho các NH. Nếu không có thay đổi lớn, những khoản tiền đầu tiên sẽ đổ về các NH thương mại tại thời điểm đầu tháng 7. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, lãi suất liên NH sẽ ổn định trở lại. Trong trường hợp nhu cầu tín dụng tăng thấp quá, NHNN nhiều khả năng còn phải hút bớt tiền về thông qua các công cụ điều hành, chỉ để một lượng vừa đủ nhằm tránh áp lực lạm phát.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu rõ, NHNN sẽ điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý, trên tinh thần bảo đảm sự ổn định. Nếu các chỉ số kinh tế bên ngoài tích cực thì sẽ giảm lãi suất huy động và cho vay. Bên cạnh đó, NHNN vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.