Lo ngại thực phẩm không an toàn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), mới đây nhất là vụ giết mổ lợn chết rồi phù phép thành lợn sạch ở huyện Chương Mỹ đã dấy lên lo ngại về nguy cơ mất ATTP và dịch bệnh.

Gần 40% sản phẩm thịt chưa được kiểm soát
Theo quy định của Luật Thú y, sản phẩm động vật khi lưu thông trên thị trường phải qua cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát. Cụ thể, nếu là gia súc, gia cầm phải có cán bộ thú y kiểm tra trước, trong và sau khi mổ; đủ điều kiện mới được đóng dấu trên thân thịt và cho lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, kèm theo đó là việc giết mổ bằng phương pháp thủ công tràn lan khiến việc quản lý của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội là TP tiêu thụ lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm với khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi/tháng, thịt bò 5.230 tấn/tháng, thịt gà 5.200 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 5.050 tấn/tháng…
 Người dân chọn mua thịt tại chợ Dương Nội, Hà Đông. Ảnh: Phương Nga
Tuy nhiên, số lượng gia súc, gia cầm giết mổ hàng ngày được cán bộ thú y kiểm soát chỉ đạt khoảng 60%. Đây chủ yếu là lượng thịt từ các cơ sở giết mổ không phép. Điều đáng nói, Hà Nội hiện có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 58 cơ sở bán công nghiệp nhưng hầu hết những cơ sở này đều hoạt động dưới công suất, thậm chí nhiều cơ sở phải đắp chiếu.

Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm (Foodex), huyện Đan Phượng Lê Đình Phượng cho biết, Công ty đã đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ tập trung, công suất 9.000 tấn/năm với dây chuyền chế biến đồng bộ, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Năm 2008, dây chuyền hoàn thành và đi vào hoạt động nhưng công suất mới chỉ đạt được khoảng 30%.

Theo ông Phượng, nguyên nhân khiến các cơ sở giết mổ công nghiệp vắng khách là do chênh lệch về giá. Cụ thể, giá gia công giết mổ lợn tại nhà máy khoảng 150.000 đồng/con, trong khi làm thủ công chỉ khoảng 70.000 đồng/con.
Bên cạnh đó, quy trình giết mổ hiện đại kiểm soát rất chặt, nếu lợn bị bệnh sẽ không được giết mổ mà phải đưa đi tiêu hủy, trong khi giết mổ thủ công hoàn toàn có thể lách được và đưa ra thị trường. Đó là chưa kể, thịt lợn đưa về bán tại các chợ đầu mối không có sự phân biệt về phương pháp giết mổ nên giá cả không có sự chênh lệch.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Có một thực tế, hiện nay do thói quen nên người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn thịt nóng được bán ngay tại chợ. Thịt nóng nhìn tươi ngon nhưng trên thực tế loại thịt này khó kiểm soát ATTP, dễ nhiễm khuẩn ngay từ khâu giết mổ đến bày bán.
Nếu quy trình giết mổ không được đảm bảo, các loại vi khuẩn có trong không khí, nguồn nước, trong phân động vật sẽ nhanh chóng xâm nhập vào thịt tươi sống gây hại cho người sử dụng. Đó là chưa kể đến các cơ sở giết mổ chui, thịt thành phẩm phần lớn không qua kiểm dịch thú y, sẽ làm tăng nguy cơ người tiêu dùng ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh.

Chị Phạm Thị Hòa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết: “Khi bán hàng ở chợ, không mấy khách hàng quan tâm tới dấu kiểm dịch mà chủ yếu quan tâm về giá, còn chất lượng thịt thì chỉ nhìn bằng mắt thường. Vì vậy, nhiều tiểu thương sẽ lợi dụng thói quen này để trà trộn bán hàng không đảm bảo”.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen khi lựa chọn thực phẩm, nên lựa chọn những sản phẩm có dấu kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thay vì sử dụng thịt nóng, người tiêu dùng nên chuyển sang thịt mát. Đây là loại thịt sau khi giết mổ công nghiệp được làm mát trong một thời gian, pha lóc, đóng gói mới đưa ra thị trường tiêu thụ, vì vậy đảm bảo về chất lượng cũng như ATTP.
Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện ATTP, vệ sinh thú y; kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập vào TP; thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ trước khi cho phép lưu hành trên thị trường; kiên quyết xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, có nguy cơ lây lan dịch bệnh.