Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới các tỉnh, TP tiếp tục quyết liệt các biện pháp xử lý dịch SXH đồng thời tuyên truyền đến người dân cách phòng chống các dịch bệnh khác như TCM, dại, viêm não.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đến thời điểm này, tình hình dịch SXH đã giảm mạnh trên cả nước, số ca mắc mới ở TP Hà Nội cũng đã giảm sau khi triển khai quyết liệt việc phun hóa chất và diệt bọ gậy. Tính đến ngày 13/9 cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc SXH, 29 trường hợp tử vong. Về tình hình dịch TCM, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 28.000 ca mắc, riêng tại Hà Nội con số này là hơn 110 ca. Đặc biệt, bệnh dại hiện đã lưu hành ở 29 tỉnh, TP với 56 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Nhận xét về hiệu quả phòng chống dịch SXH tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định các biện pháp, kỹ thuật và hướng dẫn của Bộ Y tế đã đi đúng hướng. Cả 2 TP đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, đoàn thể, huy động được các lực lượng tại chỗ, ý thức phòng bệnh của người dân đã nâng lên. Tuy nhiên, TS Phu cho rằng, tháng 9, tháng 10 mới là đỉnh của dịch SXH nên cả 2 địa phương cần tiếp tục duy trì và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch đã thực hiện. Tập huấn thêm về kiến thức, kỹ năng cho các đội xung kích diệt bọ gậy, công tác viên y tế. Đặc biệt, cần có đội giám sát thứ cấp, có cán bộ y tế có kinh nghiệm để phát hiện để chỉ ra cho các cộng tác viên thấy còn thiếu sót.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Hà Nội cần tăng cường xử phạt các hộ gia đình, cá nhân, tập thể không hợp tác trong phòng dịch theo Nghị định 176 của Chính phủ. Bởi lẽ, theo thống kê, trong khi TP Hồ Chí Minh xử phạt được tới hơn 1.300 lượt thì TP Hà Nội mới chỉ có 13 cơ sở bị phạt với số tiền 16,5 triệu đồng. “Việc diệt bọ gậy cần thực hiện hàng tuần, phun hóa chất cần phun diện rộng chứ không chỉ tập trung ở ổ dịch, đồng thời khuyến cáo người dân rửa tay bằng xà phòng để phòng dịch TCM, tiêm phòng vaccine nếu bị chó dại cắn” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để phòng chống bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân: 1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng. 3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 6. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. |