Lo tăng trưởng ngành nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng 3%. Tuy nhiên, mục tiêu trên có nguy cơ không thể hoàn thành do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục lan rộng.

Tăng trưởng có thể về mức… 0%
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, DTLCP đã bùng phát tại 62/63 tỉnh, TP (chỉ còn tỉnh Ninh Thuận là chưa xảy ra dịch bệnh). Tổng số lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh, nghi mắc bệnh là trên 3,3 triệu con, chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn của cả nước.
Vụ trưởng Vụ Thông tin nông nghiệp (Tổng cục Thống kê) Lê Trung Hiếu cho biết, do ảnh hưởng của DTLCP, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 1,8 triệu tấn (giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018).
Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp nửa đầu năm 2019 chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,07% trong 6 tháng đầu năm 2018.
Ngành chăn nuôi lợn chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng giá trị toàn ngành nông lâm thủy sản. Theo tính toán, sản lượng lợn giảm trung bình 10% thì ngành nông nghiệp giảm 1% tăng trưởng.
Với việc DTLCP chưa có dấu hiệu được khống chế, tổng đàn lợn từ nay đến cuối năm 2019 có thể giảm tới 30% tổng đàn cả nước. Trong trường hợp đó, tăng trưởng ngành nông nghiệp không những khó có thể đạt mục tiêu đề ra là 3%, mà thậm chí còn… không có tăng trưởng, nếu như các lĩnh vực khác không có sự bứt phá đáng kể.
Đâu là “cứu cánh”?
Trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng chống, DTLCP chắc chắn sẽ còn khiến ngành nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề hơn từ nay cho tới cuối năm 2019. Chính vì vậy, giải pháp đặt ra hiện nay đối với mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp là cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của các ngành hàng còn dư địa lớn.
Thực tế cho thấy, từ khi DTLCP bùng phát, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm, thịt gia súc lớn (trâu, bò) và trứng gia cầm đã tăng mạnh. Tỷ trọng thịt lợn trong “rổ” thực phẩm truyền thống của người Việt đang ngày một giảm. Minh chứng là so với cùng kỳ năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng trứng gia cầm đạt gần 7 tỷ quả, tăng đến 11,4%. Trong khi, sản lượng thịt gia cầm, thịt trâu và thịt bò hơi xuất chuồng cũng tăng lần lượt là 8,6%, 3% và 3,8%.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng âm (-0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng). Nguyên nhân được nhận định là do sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi hạn hán, xâm nhập mặn và ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khủng hoảng kéo dài.

Thủy sản nhiều khả năng sẽ là “cứu cánh” thứ hai của ngành nông nghiệp trong bối cảnh chăn nuôi lợn lao đao vì dịch bệnh. 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận mức tăng trưởng tới 6,45% của ngành thủy sản. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của lĩnh vực thủy sản trong khoảng thời gian 6 tháng của 9 năm gần đây. Cũng giống như thịt gia súc gia cầm, nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao là lý do giúp thủy sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng trên.
“Cứu cánh” thứ 3 có thể giúp bù đắp lại thiệt hại do DTLCP là rau quả. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt 2 tỷ USD. Con số này thậm chí có thể tăng trưởng đến 5% trong năm 2019, nhờ việc Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Qua đó, mở đường cho rau quả trong nước tiếp cận sâu rộng hơn thị trường 28 nước châu Âu…
Để ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3% như đã đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải tiếp tục gia tăng sản lượng của 3 nhóm ngành rau quả, thủy sản và thịt gia súc, gia cầm. Tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các nhóm ngành hàng kể trên, bù đắp lại giá trị thiệt hại mà bệnh DTLCP gây ra.
Cùng với đó, các bộ ngành, địa phương và người chăn nuôi cả nước cần nỗ lực nhiều hơn trong kiểm soát sự lây lan của DTLCP. Trong đó, cần chú trọng đến các giải pháp an toàn sinh học nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tái đàn thời gian tới.