Lộ thêm nhiều "tử thần" xe container, khai trừ Đảng trưởng công an huyện tiếp tay lâm tặc

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, ngoài các điểm sáng cho nền kinh tế, thì phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Hòa Bình; phát hiện thêm nhiều tài xế xe container sử dụng ma túy; người làm thuê trộm 430 lượng vàng trong 6 năm... nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Thủ tướng thăm gian triển lãm điện thoại thông minh của Vingroup bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều bộ ngành tổng kết công tác năm 2018
Trong tuần này, nhiều bộ ngành, địa phương tiếp tục tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Chiều 15/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho rằng thứ hạng của Việt Nam về các lĩnh vực do Bộ phụ trách còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Việt Nam phải có thứ hạng cao về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác, nền tảng của kinh tế số.
Theo Thủ tướng, Bộ TT&TT đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, sứ mạng của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tuyên truyền, đặc biệt đã đưa ra được định hướng lớn để làm "kim chỉ nam" cho sự phát triển của Bộ.
Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, có đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đóng góp cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo ra một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu và thứ hạng quốc tế.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại, trước hết, vụ AVG là vụ việc nặng nề, đau lòng, làm chậm đi sự phát triển của ngành, mất nhiều cán bộ. Bộ cần coi đây là bài học đắt giá và cũng từ đây phải mạnh mẽ vươn lên.
Thủ tướng cũng nhìn nhận, thứ hạng của Việt Nam về các lĩnh vực thuộc Bộ phụ trách còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng. ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tàu thì tốc độ tăng trưởng những năm gần đây chậm lại nhiều, chưa đi đầu về công nghệ, về cách mạng công nghiệp 4.0.
Vai trò của một số Sở TT&TT còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Nhân hội nghị, Thủ tướng nêu rõ hiện nay chưa có chủ trương sáp nhập Sở TT&TT vào bất cứ sở nào. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn về việc quản lý mạng xã hội còn nhiều bất cập, chưa tốt.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ 33
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật cán bộ
Từ ngày 14 đến 16/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp kỳ 33 xem xét, kết luận một số nội dung sau:
Xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 32 của UBKT Trung ương.
Theo đó, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Bốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; cảnh cáo đối với ông Trương Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo thẩm quyền.
Xem xét, thi hành kỷ luật Đại tá Đỗ Minh Tân. UBKT Trung ương kết luận, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, ông Đỗ Minh Tân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, tiếp tay cho hành vi lập hồ sơ khống xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến rừng bị chặt phá với diện tích lớn, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự; bao che, hướng dẫn cho đối tượng đối phó với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Vi phạm của ông Đỗ Minh Tân là rất nghiêm trọng, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Công an. Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định thi hành kỷ luật ông Đỗ Minh Tân của các tổ chức đảng ở tỉnh Phú Yên chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm.
Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, để giữ nghiêm kỷ luật đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đỗ Minh Tân.
Cũng trong kỳ họp, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hồ Văn Thế - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: The Japan Times

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực
Ngày 19/1, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTT) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và tương đương của 11 nước thành viên. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên họp. Trong khuôn khổ phiên họp, Bộ trưởng các nước đã tham dự Lễ công bố Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với sự có mặt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quyết tâm của các nước thành viên đang làm hết sức để CPTPP đóng vai trò là ngọn cờ đầu cho tự do thương mại, trong bối cảnh các nước bị cuốn vào chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Abe cho biết cánh cửa đã mở đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ mong muốn gia nhập CPTPP - một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời kỳ vọng CPTPP sẽ có sự tham gia của nhiều quốc gia đang tìm kiếm thương mại tự do và công bằng.
Bày tỏ vinh dự được thay mặt các Bộ trưởng CPTPP phát biểu tại buổi lễ quan trọng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, hiện còn rất nhiều việc phải làm để thực thi một cách hiệu quả các cam kết của Hiệp định CPTPP. Đồng thời tin tưởng các nước sẽ cùng hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để bảo đảm các cam kết sâu và rộng của Hiệp định này sẽ đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp của các quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong việc ủng hộ thương mại tự do, đặt ra các tiêu chuẩn cao và cân bằng cho hoạt động giao thương ở thế kỷ 21 cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua 4 quyết định quan trọng, gồm Quyết định về cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP; Quyết định về quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp các thành viên mới; Quyết định về quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; Quyết định về bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Thành Trung
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019
Trong 2 ngày (16 - 17/1/2019) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức. Với chuỗi 3 Hội thảo quan trọng và một phiên Đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn đã bàn luận về các vấn đề lớn của kinh tế đất nước, nhận diện xu thế cùng những cơ hội và thách thức, từ đó gợi mở định hướng cho thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:
Một là, quyết tâm giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.
Hai là, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên; cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa; củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.
Ba là, tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bốn là, thúc đẩy và lan toả tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Năm là, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Sáu là, tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn mới.
Ảnh: Ngô Bình

Tiếp tục phát hiện nhiều tài xế xe container sử dụng ma túy
Chưa bao giờ cụm từ "xe container" lại gây nên nhiều nỗi kinh hoàng cho người dân như hiện nay. Từ vụ tai nạn kinh hoàng ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, gần như mỗi tuần tại những điểm nóng về giao thông, TP Hồ Chí Minh lại ghi nhận trường hợp xe container gây tai nạn chết người.
Chỉ sau 2 ngày ra quân 12 và 13/1, Công an phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đã phát hiện 7 tài xế xe container dương tính với ma túy. Đáng sợ hơn, có tài xế sử dụng cùng lúc 3 loại ma túy là cần sa, ma túy đá, ma túy tổng hợp.
Theo luật hiện hành, hình phạt cao nhất về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế sử dụng chất kích thích là phạt tiền lên đến 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Theo đánh giá, mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe khi việc vi phạm thường phải trả giá bằng mạng sống của người tham gia giao thông.
Ngay sau đó, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải hàng hóa nhằm ngăn chặn, xử lý các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và lễ hội đầu xuân. Trọng tâm của đợt cao điểm (từ 21/1 đến 21/2) là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm.
Theo đó, các tổ tuần tra được dừng phương tiện tham gia giao thông, kiểm soát 4 loại giấy tờ theo quy định (GPLX, đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…). Sau kiểm tra hành chính, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát sẽ kiểm tra nồng độ cồn và dấu hiệu sử dụng ma tuý.
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình
Xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Hòa Bình
Sau gần 1 tuần tạm hoãn, sáng 14/1, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Hòa Bình, bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội vô ý làm chết người.
Ngoài bị cáo Lương, 6 bị cáo khác cũng được triệu tập tới tòa gồm: Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh; Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng - nguyên Trưởng phòng quản lý vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Sơn - cán bộ phòng Vật tư và thiết bị y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Trong đó, ngoài bị cáo Bùi Manh Quốc bị truy tố về tội vô ý làm chết người giống bị cáo Hoàng Công Lương, 5 bị cáo còn lại cùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là lần thứ 2 Tòa án nhân dân TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trước đó, tại phiên tòa hồi tháng 5, đầu tháng 6/2018, sau hơn 1 tuần xét xử, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đã yêu cầu trả hồ sơ và đề nghị điều tra bổ sung.
Luật sư bất ngờ công bố bằng chứng "đầu độc"
Tại phiên xử chiều 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn) bất ngờ nêu ý kiến muốn dừng phiên tòa để cung cấp những bằng chứng "mật" cho thấy đây là một vụ "đầu độc để giết người".
Khi HĐXX hỏi chứng cứ được thu thập từ bao giờ, luật sư Hưng cho biết: "Tôi chỉ nói rằng hiện nay tôi đã có. Đề nghị HĐXX tắt tivi tại phòng báo chí và truyền thông bên ngoài, điều này nói ra cũng không hay lắm".
Trước yêu cầu này, HĐXX đã cho ngắt tín hiệu đến phòng báo chí và tạm ngưng phiên tòa để tiếp nhận bằng chứng. Luật sư Phạm Quang Hưng cũng cho biết: Chứng cứ mà ông có trong tay có thể nhìn thấy và đọc được.
Sau đó, "bằng chứng mật" của luật sư Hưng đã được giao đến HĐXX và Kiểm sát viên. Đọc những tài liệu này, HĐXX quyết định hội ý và ra tuyên bố: Tạm dừng phiên tòa, phiên xử sẽ được tiếp tục vào thứ Hai tuần sau (21/1).
Ảnh: TTXVN.
Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị khởi tố
Ngày 20/1 theo thông tin từ Bộ Công an, mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ), Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an cùng ngày đã thực hiện các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn.
Cụ thể: Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trần Thị Bình, sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Các bị can bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự.
Ảnh minh họa
Bắt tạm giam nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma
Ngày 16/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đã bắt tạm giam Phan Xuân Thiện (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma), và Hoàng Trúc Vy (nguyên là nhân viên Phòng nghiên cứu phát triển thuộc Công ty cổ phần VN Pharma) để điều tra tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Theo điều tra, ông Phan Xuân Thiện là người giới thiệu cho bà Hoàng Trúc Vy thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc. Ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và con dấu của Công ty Helix Canada là giả nhưng vẫn để cho Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và cấp dưới thực hiện hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ lô thuốc là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 25/8/2017, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng 12 năm tù về tội "Buôn lậu". Liên quan đến vụ án, 7 bị cáo khác bị phạt thấp nhất từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất 5 năm tù về các tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Buôn lậu".
Sau đó khi xét xử phúc thẩm, ngày 30/10/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên huỷ toàn bộ bản án, yêu cầu điều tra lại và kiến nghị điều tra hàng loạt cá nhân liên quan. Theo cấp phúc thẩm, kết luận giám định chất lượng lô thuốc có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật. Cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội "Buôn lậu" là chưa phù hợp.
Nguyễn Đức Tuấn cùng số tang vật bị thu giữ. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng.

Người làm thuê trộm 430 lượng vàng trong 6 năm
Chiều 19/1, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi bị bắt giữ vì trộm 230 lượng vàng Tây ở tiệm vàng mình làm thuê, Nguyễn Đức Tuấn (SN 1991, trú TP Hội An, Quảng Nam) tiếp tục tự giao nộp thêm gần 200 lượng vàng.
230 lượng vàng Tây gồm: Nhẫn, dây chuyền, mặt dây chuyền, bông tai và lắc tay. Trên các loại trang sức có các ký hiệu: “T.DANH 610” của Công ty Thanh Danh; “K.LOAN610” của Công ty Kim Loan; “K.HAO610” của Công ty Kim Hảo và một số vàng ký hiệu của Công ty khác. Với việc bán số vàng trên, Tuấn thu về được gần 5 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai số vàng này được lấy trộm tại tiệm vàng nơi mình làm việc trong 6 năm (2012 - 2018). Do được chủ tiệm vàng tin tưởng giao trông coi quầy hàng vàng Tây, mỗi ngày Tuấn trộm một ít vàng đem về nhà cất giấu. Vừa qua, để có tiền sắm Tết, Tuấn cùng anh trai điều khiển ô tô đem 230 lượng (hơn 14,3kg) đi bán thì bị phát hiện.
Được biết, trước đây gia đình Nguyễn Đức Tuấn rất nghèo. Tuy nhiên, sau khi làm thợ kim hoàn tại đây, gia đình Tuấn "đổi đời" nhanh chóng. Ngoài xây dựng nhà cửa, sắm xe ô tô, còn đầu tư 2 villa để hoạt động du lịch với số tiền đầu tư rất lớn, hàng tỷ đồng. Việc gia đình Tuấn giàu lên đột ngột như vậy khiến nhiều người dân ở địa phương khá tò mò, thắc mắc. Nhiều khả năng Tuấn đã nhiều lần lấy trộm vàng đem bán nhưng chủ tiệm vàng không phát hiện được.
Vụ việc đang được Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần