Lo vốn ngầm chảy vào bất động sản

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản (BĐS) sẽ không chỉ là nhất thời mà có thể trong vài năm tới càng lúc càng chặt hơn.

Rủi ro vốn ngắn hạn cho vay dài hạn
Theo số liệu cập nhật đến tháng 6/2018 của NHNN, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 6,16% so với đầu năm. Trong đó, cho vay BĐS chỉ tăng 2,19%, tỷ trọng cho vay mảng này hiện chiếm 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế, (trong khi mức an toàn đưa ra là 8 - 10%) thấp hơn rất nhiều so với mức 15,8% năm 2017 hay 17,1% vào năm 2016.
Khách hàng tham khảo thông tin tín dụng của một dự án bất động sản ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo thống kê tại các ngân hàng, hiện nay tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực BĐS thường ở mức dưới 5 - 7%. Tuy nhiên vẫn có một số ngân hàng đang có dư nợ trong lĩnh vực này vượt trên 10%. Tại Techcombank, tính đến cuối tháng 6, ngân hàng này dành hơn 20.000 tỷ đồng trên tổng số 166.700 tỷ đồng dư nợ cho vay để cho vay BĐS, chiếm 12% tổng dư nợ. Sacombank có hơn 42.000 tỷ đồng dư nợ cho vay các hoạt động liên quan kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn. Trong số này chủ yếu bao gồm BĐS và dịch vụ môi giới tư vấn BĐS, vượt trên 10% tổng dư nợ hiện nay. VPBank là hơn 15.500 tỷ đồng, tương đương 8,5% tổng dư nợ cho vay toàn ngân hàng. Hay như TPBank với hơn 7% dư nợ cho vay BĐS tương đương 5.400 tỷ đồng…

Mới đây nhất, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS. NHNN cũng liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng. NHNN cũng yêu cầu các NHTM chỉ được cho vay 50% trên tổng giá trị tài sản thay vì 70 - 80% như trước đây.

"Các ngân hàng luôn rất mặn mà cho vay BĐS vì có tài sản thế chấp, nhu cầu vốn lớn và lãi suất có thể cao hơn cho vay sản xuất kinh doanh, nhất là né sang cho vay tiêu dùng. Do đó, chỉ cần có cơ hội, các ngân hàng sẽ cho vay nhiều đối với BĐS. Khi có quá nhiều tiền chảy vào lĩnh vực này sẽ đẩy giá BĐS tăng. Về lâu dài, cần bóc tách cho vay mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng để cơ quan quản lý dễ nhận diện rủi ro hơn. " - TS Lê Xuân Nghĩa

Theo luật sư Bùi Quang Tín, NHNN siết tín dụng BĐS là ý thức quản trị rủi ro từ chính các ngân hàng khi mà khối nợ xấu tồn tích từ các năm trước vẫn đang tiếp tục xử lý. Việc ngân hàng siết tín dụng vào BĐS sẽ không chỉ là nhất thời mà có thể trong vài năm tới và càng lúc càng siết chặt hơn. Bản chất của các dòng vốn cho BĐS là trung và dài hạn còn nguồn vốn của ngân hàng thì phần lớn là ngắn hạn, kể cả với các khoản tiền gửi kỳ hạn dài thì cũng có khả năng rút trước thời hạn.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thực tế, dù tăng trưởng tín dụng chỉ 7,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế nhưng tiền không chỉ đổ vào BĐS theo kênh trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua vay xây lắp và vay tiêu dùng. TS Võ Trí Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, tỷ trọng cho vay BĐS thực chất dao động từ 14 - 16% tổng dư nợ tín dụng. Con số này xuất phát từ việc tỷ trọng cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng đang dao động ở mức 16 - 17%, nhưng hơn một nửa số này chảy vào BĐS.

Năm 2018, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tiêu dùng chỉ tăng khoảng 20%, giảm mạnh so với năm 2017 (tăng 30%). Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN của NHNN không siết chung tín dụng tiêu dùng, mà chỉ nhắm vào giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư kinh doanh BĐS.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, số DN thành lập mới ngành kinh doanh BĐS tăng mạnh nhất trong tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là ngành nghề có tỷ lệ DN hoàn tất giải thể cao nhất trong tất cả các ngành nghề có DN giải thể. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, BĐS là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn, song hiện nay khoảng 70% vốn đầu tư vào lĩnh vực này dựa vào vốn vay ngân hàng. Điều này cho thấy cơ cấu vốn BĐS còn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào BĐS.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần