Loại bỏ "giấy phép con"

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt các loại văn bằng chứng chỉ với công chức, viên chức đang được cho là mang nặng tính hình thức, giống như các loại “giấy phép con”. Đã từng được nói đến rất nhiều khi bàn thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vấn đề này lại đang làm “nóng” dư luận khi xuất hiện câu chuyện giáo viên các trường công lập phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới được thăng hạng, bổ nhiệm và hưởng lương theo ngạch bậc cao hơn.

 Ảnh minh họa
Nhìn ra thực tiễn, không chỉ riêng câu chuyện yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên được dư luận quan tâm, mà đây cũng là vấn đề của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Tình trạng công chức, viên chức của nhiều ngành nghề ồ ạt đi thi, đi học để bổ sung các loại chứng chỉ vào hồ sơ theo yêu cầu của các bộ chuyên ngành vẫn diễn ra cũng gây không ít băn khoăn.

Có thể nói rằng, với những ngành đặc thù, quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hoặc chứng chỉ hành nghề là rất cần thiết, bởi phục vụ yêu cầu của quản lý Nhà nước và xuất phát từ việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên, với một số ngành, lĩnh vực, thực sự đây là một quy định gây thêm rườm rà và không giúp ích được cho công tác chuyên môn. Như với giáo viên, trước khi ra giảng dạy đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Với nhiều ngành khác cũng vậy, bằng đại học đã chính là một “chứng chỉ hành nghề” đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Hơn thế nữa, một thực tế là chất lượng đào tạo chứng chỉ hoặc các lớp bồi dưỡng chức danh chưa thực sự mang lại hiệu quả. Công chức, viên chức có trình độ thật, được công nhận trong thực tiễn vẫn phải “tất bật đi học” để có chứng chỉ theo quy định nhưng điều họ thu nhận chỉ toàn học lại kiến thức cũ, rất hình thức. Chính việc chỉ dạy những cái người ta đã học rồi, thậm chí đã làm thành thạo vừa lãng phí thời gian, tiền bạc lại còn dẫn đến tình trạng tiêu cực trong việc “mua” các văn bằng, chứng chỉ.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định của Luật Viên chức. Song cũng có ý kiến cho rằng, Luật chỉ đưa ra quy định chung về việc người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Nhưng thực tế đã cho thấy, việc cần có thêm các chứng chỉ riêng hoặc chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ nên áp dụng với một số nghề, lĩnh vực mang tính chất đặc thù, đòi hỏi một số tiêu chí nhất định. Bởi vậy, dù Luật chỉ quy định chung, cũng nên rà soát lại để sửa đổi, tránh hiểu và áp dụng cứng nhắc.

Hiện trong quá trình tổ chức triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các nghị định cũng đã tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ. Những quy định để từng bước bãi bỏ chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học đã được triển khai. Vậy với những chứng chỉ khác, trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các bộ chuyên ngành cũng nên rà soát lại về mức độ cần thiết, điều kiện bắt buộc và đặc biệt là nội dung, chương trình đào tạo có xuất phát từ yêu cầu tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không. Nếu không phù hợp thực tế, nên mạnh dạn loại bỏ để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội. Việc này cũng sẽ tránh tình trạng đổ xô đi học cái “biết rồi, khổ lắm, nói mãi" chỉ để “đẹp” hồ sơ.