Loại bỏ những “con sâu” trong đội ngũ những người làm báo

Theo ĐCSVN
Chia sẻ Zalo

Thời gian gần đây, có hiện tượng một số người cầm bút, mang danh "nhà báo" nhưng lại vi phạm pháp luật. Những “con sâu” trong làng báo như thế là nỗi đau xót cho những người làm báo chân chính. Và điều này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về đạo đức nghề nghiệp của người “cầm bút”.

Thời gian ngắn gần đây, trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam liên tiếp nhận được những tin đáng buồn. Đó là vụ nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển, phóng viên Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập đã ra giá với 2 doanh nghiệp: “Nếu muốn gỡ 3 bài viết thì phải đưa 700 triệu đồng. Nếu chậm thì báo tiếp tục đăng thêm 1 bài nữa, khi đó muốn gỡ xuống thì số tiền phải là 1 tỷ đồng”. Sau khi thống nhất số tiền trên, nhà báo Hoàng Uyển từ TP Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ nhận tiền thì bị bắt quả tang.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Trường hợp nhà báo Nguyễn Thế Thắng, phóng viên thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên thì lợi dụng một đoạn clip quay cảnh đánh bạc của một nhóm người để tống tiền. Và nhờ sự có mặt kịp thời của các cơ quan chức năng mà hành vi của nhà báo Nguyễn Thế Thắng đã bị phát giác, hiện đang bị tạm giữ để điều tra.
Trước đó, ngày 23/6/2017, nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Yên Bái ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Vì đồng tiền bất chính, vì lòng tham và lấy nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân, các nhà báo nói trên đã tự đánh mất mình. Những hành vi phạm pháp luật đã được phát hiện rồi sẽ bị nghiêm trị thích đáng. Đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, xúc phạm danh dự, làm xấu đi hình ảnh của những người làm báo chân chính. Đó được xem như vết thương, nỗi đau xót, sự xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của những người cầm bút chân chính và phần nào sẽ làm xói mòn niềm tin của cộng đồng với đội ngũ người làm báo; đồng thời là bài học cảnh tỉnh sâu sắc cho những người làm báo nói chung, luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp trong mọi lúc, mọi nơi và bất cứ hoàn cảnh nào, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn công tác chủ quản báo chí diễn ra ngày 10/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, có tình trạng trên là do một số cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, để báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm quy định của pháp luật về báo chí. Một số cơ quan chủ quản chưa quan tâm đúng mức tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên….
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, một số cán bộ làm công tác quản lý báo chí và nhà báo cho rằng, việc có những nhà báo, phóng viên có hành vi vi phạm pháp luật, nguyên nhân trước hết là do tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo báo chí của một số cơ quan chủ quản thực hiện không chặt chẽ… Do đó, việc một số nhà báo, phóng viên của cơ quan báo chí có hành vi vi phạm pháp luật, hay bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo, giám sát cơ quan báo chí không chỉ về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động báo chí mà cả về hoạt động nghiệp vụ, đạo đức người làm báo…
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra một cách hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nhấn mạnh xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí là hiện tượng nguy hiểm, có thể gây tác động khôn lường về nhiều mặt.
Vậy làm sao để loại bỏ hết những “con sâu” trong làng báo nước ta? Năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã rất nỗ lực để công bố thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam và thực thi Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) để giám sát một cách chặt chẽ các Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong suốt thời gian làm nghề báo và trong những điều kiện tác nghiệp cụ thể. Đồng thời, thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng…
Trong quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo nêu rất rõ, hội viên thì phải hành nghề có đạo đức nghề nghiệp. Theo ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, để làm trong sạch, lành mạnh lĩnh vực báo chí, các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của báo chí, nhà báo. Các cơ quan chủ quan, cơ quan báo chí, đặc biệt là các Tổng biên tập phải siết chặt quản lý đội ngũ của mình. Đồng thời, các tổ chức Hội nhà báo phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng, đạo đức, khả năng của phóng viên để định hướng và bồi dưỡng nghiệp vụ…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cũng nhấn mạnh đến việc các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát các chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí theo hướng tinh gọn, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, kiên quyết xử lý thu gọn các báo, tạp chí, ấn phẩm, chương trình xét thấy không cần thiết, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và để sai phạm kéo dài…
Đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó", do đó, đạo đức của nhà báo phải là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người. Chính vì vậy, mỗi nhà báo đều phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”….
Vẫn biết ngành nghề nào cũng có thể có những "con sâu", song với nghề báo, nghề của công chúng, những "con sâu" này cần phải được lên án mạnh mẽ và phải xử lý thật nghiêm để làm gương và là cảnh báo cho những người làm báo nói chung, đặc biệt là với những nhà báo nào đang có ý định vi phạm...
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí nói chung và cá nhân mỗi nhà báo nói riêng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức cách mạng, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng và chống suy thoái đạo đức trong xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần