Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hình thành sàn giao dịch vàng

Loại bỏ yếu tố giá cách biệt

Kinhtedothi - Sau khi Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1 - 2%, thị trường vàng trong nước cuối tuần qua đã chịu tác động khá mạnh. Giới kinh doanh cho rằng nếu theo đúng chỉ đạo, thị trường sẽ phát triển minh bạch, hiệu quả, an toàn.

Chuyển từ vàng vật chất sang vàng phái sinh

Những vấn đề nổi cộm của thị trường vàng thời gian qua đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ trong cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây: chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới lớn, một số động thái của các DN tham gia thị trường vàng có tính thao túng, găm hàng, đội giá.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu NHNN phối hợp tăng cường quản lý, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức 1 - 2%, không thể để trên 10% như vừa qua. Đồng thời, có giải pháp tăng cung như: nhiều DN cùng kinh doanh và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt, tăng cường thanh, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường. Về lâu dài, nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.

Mua bán vàng tại cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay lập tức, chủ đề này đã được tranh luận sôi nổi tại các diễn đàn về vàng. “Phải có sàn giao dịch vàng để hội nhập quốc tế, chứ chênh lệch với thế giới gần 20 triệu đồng. Thay vì giao dịch vàng vật chất thì chỉ cần giao dịch vàng số là được. Như vậy không chảy máu ngoại tệ”- chị Phương Thanh (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ. Và còn nhiều ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ sự đồng tình với yêu cầu của Thủ tướng: “Nên làm sàn vàng sẽ làm giảm bớt được tình trạng gom vàng vật chất”; “ủng hộ lập sàn vàng, thay vì giao dịch sàn nước ngoài”…

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, cần tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường, tạo sự cạnh tranh cho tất cả thành phần kinh tế. Không nên giao cho một mình SJC sản xuất vàng miếng SJC và cần xóa bỏ cái gọi là thương hiệu quốc gia. Như vậy sẽ không còn chênh lệch độc quyền DN nữa, đồng thời sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác.
GS.TS Hoàng Văn Cường

Quả thực thời gian qua, nhiều thời điểm dù giá vàng thế giới đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, giá vàng trong nước vẫn neo cao kỷ lục, tạo ra mức chênh lệch chưa từng có - gần 18 triệu đồng/lượng. Tình trạng này không chỉ phản ánh sự lệch pha cung - cầu, mà còn dấy lên lo ngại về làn sóng đầu cơ, thao túng giá và dòng tiền “chảy” vào vàng, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Nhu cầu mua vàng tăng, trong khi nguồn cung có phần hạn hẹp. Do vậy, ở những thời điểm nóng sốt, các công ty vàng thường giới hạn lượng vàng bán ra trên mỗi khách hàng ở mức 1 - 2 chỉ/lần với vàng nhẫn. Một số thời điểm, nhiều thương hiệu lớn đã "cháy hàng” với vàng miếng và nhẫn trơn.

Xóa độc quyền vàng miếng SJC

Theo các chuyên gia, sàn giao dịch vàng đã có tiền lệ dù chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này. Thiếu hiện nay là những quy định để tạo ra một sân chơi chính thức cho giới đầu tư, giải quyết vấn nạn “găm vàng” khiến giá vàng bị đẩy lên cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), khi có sàn vàng thì người dân sẽ thay đổi tâm lý, thay vì mua vàng sẽ mua chứng chỉ vàng, yên tâm và tiện lợi hơn. Vàng khi đó sẽ là hàng hóa lưu thông trên thị trường. Khi sử dụng công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng và tương lai nhập khẩu vàng theo thị trường cũng bảo đảm thị trường minh bạch hơn, ngăn chặn nhập khẩu lậu và trốn thuế.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, lập sàn vàng tập trung để giao dịch công khai, minh bạch. Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như bảo đảm khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Luật sư Hà cho rằng cần có một nghị định rõ ràng về vấn đề này, cho phép thí điểm 3 - 5 năm.

Trong một báo cáo, các chuyên gia Think Future Consultancy cho rằng, các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá sẽ mang tới hiệu quả tức thì để bình ổn thị trường vàng thay vì hy sinh ngoại tệ nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá.

Trích dẫn
Trích dẫn 2
Cần sớm tổ chức sàn giao dịch vàng. Ở các nước khi mua bán, họ chỉ nhận chứng chỉ vàng chứ không cần phải nhận vàng thật, từ đó cũng không cần phải nhập khẩu vàng nhiều. Thứ nữa, người mua cũng được lợi vì không phải bảo quản; lại rất thuận lợi trong việc mua bán. Nếu sàn này liên thông với thế giới sẽ giảm ngay sự chênh lệch giá trong nước và quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về bình ổn thị trường vàng trong nước cũng là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đề nghị sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không còn độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Bởi lẽ, độc quyền đã đẩy giá vàng thương hiệu SJC luôn cao hơn các loại vàng khác, chênh lớn với thế giới đến hàng chục triệu đồng/lượng.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội), NHNN nên giữ vị trí quản lý thị trường vàng thông qua việc ban hành các chính sách tối ưu khác thay vì giữ vai trò như một tổ chức kinh doanh vàng với chức năng mua và bán như hiện tại. Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển gắn thị trường vàng với thị trường hàng hóa, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế.

Chính sách khơi thông các nguồn lực phát triển

Một vấn đề quan trọng là dù có đưa giá vàng trong nước tiệm cận với giá thế giới mà nhu cầu của người dân vẫn cao một cách bất thường thì áp lực lên sự ổn định, an ninh hệ thống tiền tệ là điều phải tính đến.

Có thể hiểu, nhu cầu vàng của người dân trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là rất tự nhiên, vì vàng được coi là một loại tài sản phòng thủ. Do vậy, muốn bỏ thế "phòng thủ" đó, Nhà nước và các cơ quan liên quan cần xây dựng và hình thành nên một thị trường vàng ổn định.

Thủ tướng giao NHNN, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng.

Những chính sách về lâu dài như thuế, kiểm soát thông tin, việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu… phát triển thị trường vốn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh vàng sẽ là những công cụ điều tiết hữu hiệu và giúp Chính phủ linh động trong những tình huống cần phải điều tiết thị trường vàng, phòng tránh được những cơn sốt không đáng có.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, nếu xây dựng được các quy định phù hợp theo thông lệ thế giới, từ từ khiến thị trường làm quen với giao dịch vàng chứng chỉ, giảm các giao dịch vàng vật chất thì lượng vàng vật chất có thể đưa vào dự trữ quốc gia hay huy động cho những mục tiêu quan trọng của đất nước.

Giá vàng hôm nay 25/5: tăng liên tục

Giá vàng hôm nay 25/5: tăng liên tục

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: phát hiện hơn 1,5 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc trong container

Lào Cai: phát hiện hơn 1,5 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc trong container

27 May, 05:23 PM

Kinhtedothi - Tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng hóa chất cấm đang trở nên đáng báo động. Gần đây, lực lượng chức năng tại Lào Cai đã phát hiện hơn 1,5 tấn chân gà không nhãn mác và hai cơ sở sản xuất giá đỗ với hơn 300 tấn hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao ý thức tiêu dùng và tăng cường quản lý.

Giá heo hơi hôm nay 27/5: tăng trên cả 3 miền

Giá heo hơi hôm nay 27/5: tăng trên cả 3 miền

27 May, 07:45 AM

Kinhtedothi - Ghi nhận giá heo hơi hôm nay khởi sắc khi giá tăng trở lại tại nhiều địa phương trọng điểm trên cả ba miền. Theo đó, giá heo hơi trên toàn quốc hiện dao động từ 67.000 - 76.000 đồng/kg.

Giá lúa gạo hôm nay 27/5: giao dịch ổn định

Giá lúa gạo hôm nay 27/5: giao dịch ổn định

27 May, 06:38 AM

Kinhtedothi - Ghi nhận giá lúa gạo hôm nay 27/5 tại thị trường trong nước giao dịch ổn định. Thị trường nguồn lúa đầu vụ thu hoạch lai rai, giao dịch mua bán chậm, giá vững.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ