Loạn biển quảng cáo quá khổ: Bài 1 - Thế giới di động coi thường tính mạng khách hàng

Linh Anh - Nam Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn Hà Nội hiện đang tồn tại rất nhiều biển quảng cáo mặt tiền được liệt vào hàng quá khổ của các thương hiệu nổi tiếng.

Để dọn sạch “rác trời” đã ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay, Hà Nội có thể trông chờ vào ý thức của các đơn vị sở hữu thương hiệu hay cần sự mạnh tay của cơ quan quản lý là bài toán đặt ra trong thời gian tới.

Bài 1: Thế giới di động coi thường tính mạng của khách hàng

Với mục đích thu hút sự chú ý từ người dân, hàng loạt biển hiệu quảng cáo quá khổ ngang nhiên đặt trước các cửa hàng phân phối của hệ thống Thế giới di động. Biển che kín mặt tiền, trùm lên nóc nhà, bao quanh hông nhà… Lực lượng phòng cháy chữa cháy thừa nhận, nếu xảy ra hỏa hoạn, các tấm biển này sẽ là vật cản không lối thoát cho khách hàng.

Diện tích vượt 6 lần quy định

Vòng qua các con phố trên địa bàn Hà Nội, các cửa hàng của Thế giới di động nổi bật với nền biển màu đen và màu vàng ở dòng chữ thương hiệu. Không chỉ bắt mắt về màu sắc, mà các cửa hiệu này có diện tích biển “khủng” nhất ở Hà Nội. Nếu như theo quy định của Bộ Xây dựng, biển quảng cáo mặt tiền không được vượt quá 20m2, thì có những biển hiệu cửa hàng Thế giới di động ở 470 và 472 Lê Duẩn (quận Đống Đa) rộng đến 122,4m2 (gấp hơn 6 lần so với quy định). Hơn nữa, biển quảng cáo tấm lớn đứng độc lập trên đường cao tốc cũng quy định diện tích không quá 120m2, nhưng các biển quảng cáo mặt tiền của Thế giới di động vươn đến diện tích 130 – 150m2.

Biển quảng cáo quá khổ rộng 122,4m2 choán hết ngã tư Lê Duẩn - Giải Phóng. Ảnh: Linh Anh

Ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội cho biết: “Đối với trường hợp xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền; thế nhưng khi đoàn thanh tra, kiểm tra thì không có cửa hàng nào của thương hiệu này xuất trình được giấy phép xây dựng”. Trong khi đó, hầu hết các vật liệu dựng biển quảng cáo là vật liệu dễ gây cháy như xốp, đèn, điện… Chính vì vậy, nỗi lo thường trực về thảm họa giống như vụ cháy ở 168 Trần Thái Tông có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở các cửa hàng này khi có hỏa hoạn xảy ra.

Không chỉ biển quảng cáo tại cửa hàng 470 Lê Duẩn, cửa hàng tại địa chỉ số 163 đường Đại La (quận Hai Bà Trưng), biển hiệu được bố trí ôm trọn mặt tiền dài hàng chục mét. Tại địa chỉ số 233 đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), biển quảng cáo của Thế giới di động đua ra chiếm gần như trọn vẹn vỉa hè. Cùng với đó, các cửa hàng tại số 11A đường Thái Hà (quận Đống Đa), 238 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), ngoài việc diện tích quảng cáo che gần hết mặt tiền thì diện tích vỉa hè cũng được nhân viên tại đây tận dụng tối đa để xe vào thời điểm đông khách.

Vi phạm dày đặc

Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống điểm phân phối của Thế giới di động xuất hiện với mật độ dày đặc. Có những trục đường như Nguyễn Trãi, Trương Định, Bạch Mai, các cửa hàng Thế giới di động được đặt chỉ cách nhau chưa đầy 1km. Không loại trừ phạm vi nội thành hay ngoại thành, các cửa hàng Thế giới di động đều hiện diện. Ở Thanh Trì, cửa hiệu Thế giới di động 389 Ngọc Hồi với diện tích biển hiệu gần 100m2 mọc lên ngay gần trụ sở UBND huyện. Ở các quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa cũng điểm danh được 2 - 3 cửa hàng thế giới di động ở 146 Kim Mã, 500 Xã Đàn… Ngoài ra, tại điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 về biển hiệu phải có tên cơ quan chủ quản trực tiếp hoặc tên cơ sở sản xuất…, nhưng Thế giới di động thực chất mới chỉ quan tâm đến thương hiệu, dường như vô chủ vì trên biển hiệu chỉ vỏn vẹn dòng chữ “thegioididong.com” kèm biểu tượng của hãng, nơi có thông tin thì bị “rơi rụng” gần hết.

“Thương hiệu này vi phạm có hệ thống, không loại trừ bất kể khu vực nào. Vi phạm điển hình của thương hiệu Thế giới đi động không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà đang tồn tại ở nhiều tỉnh, thành. Các biển hiệu quảng cáo của thương hiệu này choán toàn bộ mặt tiền ở các ngã tư. Hệ lụy của nó đặt ra là các chủ cửa hàng đã đặt quảng cáo vượt quá quy định, vi phạm Luật Quảng cáo và Luật Phòng cháy chữa cháy. Nhưng Hà Nội không thể nương tay cho các vi phạm, mà sẽ phải xử lý triệt để” - ông Bùi Minh Hoàng cho biết.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang có chủ trương cùng với việc lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ, sẽ chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động biển bảng quảng cáo mặt tiền vi phạm. Như vậy, không chỉ có biển bảng quá khổ của Thế giới di động sẽ bị xử lý mà toàn bộ các biển bảng quảng cáo mặt tiền trên các tuyến phố cũng sẽ được đưa vào tầm ngắm cưỡng chế nếu đơn vị kinh doanh không chấp hành quy định.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần